Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu hỏi hậu vinh danh

Linh Anh - Sơn Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 5/2016, Việt Nam có thêm 2 di sản tư liệu (DSTL) được UNESCO công nhận, nâng tổng số DSTL thế giới hiện có lên thành 6 di sản. Câu hỏi đặt ra là di sản đem lại nguồn lợi gì để vinh danh nhiều như vậy?

Cạn nguồn di sản vật thể

Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam có một DSTS được thế giới vinh danh là Mộc bản triều Nguyễn. DSTL đầu tiên được công nhận không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tự hào vì di sản được gọi tên ở hạng mục toàn cầu, không giống hạng mục khu vực châu Á - Thái Bình Dương như 5 DSTL sau này. Sau Mộc bản triều Nguyễn, hiện nay, Việt Nam có 5 DSTL thế giới khác là: Bia đá Văn Miếu (2010), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014). Ngày 19/5/2016 vừa qua, UNESCO lại chính thức vinh danh thêm 2 DSTL thế giới mới của Việt Nam là Thơ văn khắc trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường Lưu (Hà Tĩnh).
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận năm 2012. Ảnh: Linh Anh
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận năm 2012. Ảnh: Linh Anh
Nếu các năm trước, Việt Nam rầm rộ đón nhận danh hiệu của UNESCO từ di sản vật thể và phi vật thể, thì năm nay mới có 2 DSTL có tin vui. Bởi theo các chuyên gia, tìm kiếm thêm danh hiệu thế giới cho các di sản vật thể ở Việt Nam là không đơn giản. Theo các tiêu chí đặc thù mà UNESCO đưa ra, đây cũng là loại khó có các di sản đạt tiêu chí nhất. Điển hình, trong 13 năm gần đây, chúng ta cũng chỉ có 4 lần thành công với danh hiệu này. Cũng đến 2 năm nay, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang rục rịch lập hồ sơ Quần thể danh thắng và di tích Yên Tử gồm 3 cụm di tích: Danh thắng Yên Tử, di tích nhà Trần tại Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh và khu di tích danh thắng Yên Tử của tỉnh Bắc Giang trình Thủ tướng cho phép trình UNESCO xem xét và công nhận. Tuy nhiên, hồ sơ vẫn phải xếp hàng chờ đợi, vì để hồ sơ có tính khả thi, bản thân các di sản phải được khảo sát, nghiên cứu kỹ và quá trình phản biện tại các phiên họp của UNESCO cũng không dễ dàng.

“Ý tưởng chỉ tập trung toàn lực vào việc xin danh hiệu cho di sản vật thể là không thực tế và khả thi. Về bản chất, mọi di sản đều góp phần vào phát triển bền vững và tạo ra sự đa dạng văn hóa, mang lại những giá trị quan trọng về giáo dục để xây dựng một xã hội giàu bản sắc” - TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa nhận xét.

Không thể đại chúng hóa việc tiếp cận

Thực tế cho thấy, các di sản vật thể như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… luôn có sức hút lớn về du lịch và đủ sức tạo ra những tác động để phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư tại địa phương. Ngược lại, loại hình di sản phi vật thể như ca trù, hát xoan, ví dặm… vẫn gặp khó trong việc khai thác tiềm năng. DSTL lại càng là khái niệm mới mẻ với công chúng Việt.

“Trước hết, cần xác định DSTL không thể áp dụng theo hướng khai thác, mà chỉ hướng tới một số đối tượng cụ thể. Và hình thức du lịch cần được nghiên cứu theo hình thức trải nghiệm, tái dựng cách mà người xưa đã sử dụng và khai thác loại hình này” – PGS.TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chia sẻ. Điển hình, phía tổ chức có thể in các cẩm nang về mộc bản, thiết kế sản phẩm lưu niệm từ nguyên mẫu, tổ chức cho người xem trải nghiệm dập mộc bản thành bản in như truyền thống, làm mực in hoặc trực tiếp nghiên cứu mộc bản tại chỗ.

Ngoài ra, ở Huế (nơi lưu giữ thơ văn khắc trên kiến trúc cung đình) và ở biệt điện Lệ Xuân, Đà Lạt, Lâm Đồng (đang bảo tồn các mộc bản triều Nguyễn) đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu đến du khách để tăng thêm sức hấp dẫn cho quần thể. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang khảo sát hệ thống DSTL, Mộc bản Vĩnh Nghiêm hoàn thành đầu tiên với nhiều nghiên cứu độc lập của các cơ quan vừa được công bố. Và đặc biệt, từ đây, nhiều chuyên gia nhắc tới việc đi tìm mô hình khai thác mộc bản để phục vụ du lịch trong tương lai. Sau khi Việt Nam hoàn thành toàn bộ hệ thống khảo sát này, 6 DSTL thế giới không chỉ còn cất giữ trong kho, mà phát huy được giá trị đến công chúng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc này cần tới 5 - 10 năm nữa.