Câu khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không biết có phải vì kinh doanh ế ẩm như lời bà chủ nhà hàng lớn ở Hà Nội nói hay không nhưng đã từ nhiều tháng nay, nhà hàng của bà "phá lệ" để thực khách được tự mang đồ uống vào, thậm chí còn cử nhân viên phục vụ miễn phí.

Trước kia, khi khách đến đây, đập vào mắt là dòng nội quy "Xin quý khách vui lòng không mang đồ uống từ bên ngoài vào", nay đã bị xóa. Theo như giải thích của bà chủ, làm như vậy nhà hàng sẽ giảm doanh thu, lại vất vả, bận rộn hơn, nhưng nhà hàng vẫn phải làm vậy để thu hút khách. Từ Tết ra đến nay, trung bình mỗi ngày, nhà hàng có 50 người đến ăn, chỉ bằng một nửa so với hồi giữa năm ngoái.

Được tự mang đồ uống đến, khách sẽ tiết kiệm được một phần chi phí cho bữa tiệc, liên hoan. Với thời buổi thắt chặt chi tiêu như hiện nay, nhà hàng hy vọng việc xóa bỏ quy định cũ sẽ thu hút nhiều người đến với quán hơn. Thực tế, sau khi thực hiện cách làm này, lượng khách đến nhà hàng đông hơn. 

Trong khi đó, sẵn có thế mạnh về giá rẻ, chủ hiệu túi trên đường Chùa Bộc lại chọn cách đánh vào chất lượng dịch vụ để câu khách. Vẫn với nguồn hàng, mẫu mã đó song khi bán, chủ cửa hiệu nhận bảo hành cho người mua 6 tháng. Phiếu này được in sau cardvisit có kèm địa chỉ và số điện thoại. Cách làm này vừa giới thiệu về cửa hiệu, vừa giúp khách hàng an tâm khi mua đồ sử dụng. Chiêu này khá hiệu quả mà tốn ít chi phí. Bởi túi xách hiếm khi hỏng trước 6 tháng, nếu có cũng chỉ sứt chỉ, kẹt khóa..., công, nguyên liệu sửa chữa không nhiều.

Thời buổi khó khăn cũng khiến nhiều hãng thời trang, gara ô tô gửi tin nhắn mời chào khách hàng đến xem và mua sắm với mức trợ giá 20 - 50%, thậm chí cả tỷ đồng. Việc nghĩ ra nhiều cách thức để "câu" khách có thể thành công hoặc không, nhưng buộc phải làm để cải thiện doanh thu. Chỉ cần đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng cũng đã khả thi và cần tiếp tục triển khai./.