Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu Nhật Tân - Biểu tượng tình hữu nghị Việt -Nhật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu Nhật Tân - Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay bắc qua sông Hồng nối hai b...

Kinhtedothi - Cầu Nhật Tân - Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay bắc qua sông Hồng nối hai bờ phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và nút giao với đường Nam Hồng (huyện Đông Anh) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng như một món quà của nhân dân Nhật Bản dành tặng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014).

Nói về công trình tầm cỡ làm thay đổi diện mạo phía Bắc Thủ đô này, những cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam làm việc trên công trường cầu Nhật Tân luôn dành cho phía đối tác Nhật Bản sự mến phục và tình cảm sâu nặng.

Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nước đứng đầu về tài trợ vốn ODA cho Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế và khoa học kỹ thuật trong nước chưa thực sự phát triển, thì nguốn vốn ODA cũng như công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã và sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam.

 
 Cầu Nhật Tân đã cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Cầu Nhật Tân đã cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Theo Ban quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải, nhờ sự giúp đỡ của Nhật Bản, Việt Nam đã xây dựng được nhiều công trình giao thông có quy mô đầu tư lớn, công nghệ thi công phức tạp, phần lớn đều là các công trình rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực như hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cảng Tiên Sa, cầu Cần thơ, cầu Bãi Cháy… và sắp tới là các dự án tuyến đường, cầu Nhật Tân-sân bay Nội Bài, Nhà ga T2-cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cũng sắp được đưa vào sử dụng.

Mỗi công trình, mỗi dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản là một biểu tượng của sự giúp đỡ mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Riêng đối với dự án xây dựng cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng đầu tiên nối liền 2 bờ sông Hồng là dự án lớn nằm ở cửa ngõ Thủ đô sau khi hoàn thành, dự án này sẽ kết nối cùng 2 dự án khác cũng sử dụng vốn ODA của Nhật Bản tạo thành trục đường đón bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước đến với Thủ đô Hà Nội.

Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, Ban Quản lý dự án 85, đơn vị đại diện chủ đầu tư đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét và thành phố Hà Nội đặt tên cho cây cầu là cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt-Nhật để thể hiện tình hữu nghị và tri ân tình cảm của người dân Nhật Bản.

Bày tỏ tình cảm với những người bạn Nhật Bản, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân cho biết trong quá trình triển khai dự án, không chỉ các nhân viên Việt Nam làm việc cho đối tác Nhật Bản mà các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý dự án 85 với vai trò đại diện Chủ đầu tư Bộ Giao thông Vận tải triển khai các công việc trên hiện trường cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản.

Đây là những kinh nghiệm rất quý báu, đặc biệt trong công tác vận hành các dự án có quy mô đầu tư lớn, kỹ thuật tiên tiến và phức tạp.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2006 với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA theo điều kiện STEP của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tổng chiều dài dự án gần 9km, trong đó cầu Nhật Tân dài khoảng 3,75km và đường hai đầu cầu dài khoảng 5,17km, bề rộng mặt đường 33,2m bố trí 8 làn xe.

Về những khó khăn và nỗ lực của nhà thầu trong quá trình thi công, ông Nguyễn Lê Minh cho biết, ngay từ khâu lập dự án đơn vị thiết kế đã phải tính toán nhiều yếu tố như điều kiện thi công phức tạp; vừa đảm bảo chức năng giao thông vừa là điểm nhấn kiến trúc của công trình và đảm bảo các thông số kỹ thuật theo yêu cầu của ngành hàng không để lên phương án xem xét, lựa chọn.

Sau khi được các bên đánh giá ưu nhược điểm của các phương án và tham khảo các dự án khác trên thế giới, phương án cầu dây văng liên tục 6 nhịp đã được chọn với 5 trụ tháp của phần cầu chính đại diện cho 5 cửa ô của thành phố Hà Nội chào đón bạn bè quốc tế trên đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố.

Không chỉ đối với các kỹ sư Việt Nam, phần cầu chính của cầu Nhật Tân cũng là cầu dây văng liên tục đầu tiên được thi công bởi các công ty Nhật Bản. Nhờ kinh nghiệm từng thi công nhiều kết cấu tương tự cùng khả năng làm chủ công nghệ, đội ngũ chuyên gia, các nhà thầu, tư vấn Nhật Bản cùng với sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam và nhiều nước khác đã có rất nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Đó là áp dụng và phát triển các phần mềm tính toán kết cấu tiên tiến; sử dụng móng cọc ống thép để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng; sử dụng hệ dầm thép liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép đảm bảo hiệu quả kinh tế-kỹ thuật.

Đến nay, dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu đã cơ bản hoàn thành các gói thầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn.

Bày tỏ cảm xúc khi tham gia xây dựng cầu Nhật Tân, ông Tojuro Nishi - Giám đốc Dự án gói thầu số 1 xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc chia sẻ, IHI đã từng xây dựng trên 4.500 cây cầu ở trong nước và trên thế giới, công trình cầu Nhật Tân, do công ty trách nhiệm hữu hạn hệ thống hạ tầng IHI (IIS) liên danh với công ty xây dựng Sumitomo Mitsui thực hiện cũng gặp không ít khó khăn về điều kiện mặt bằng thi công; phải tăng cường nguồn lực để phù hợp với tiến độ rất căng của công trình và những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Nhưng vượt lên trên là sự vui mừng, hãnh diện vì được tham gia vào dự án xây dựng cây cầu lịch sử này đã giúp nhà thầu đưa công trình về đích đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, trở thành cây cầu biểu tượng của tình hữu nghị.

“Tôi rất vinh dự được giúp đỡ các kỹ sư Việt Nam trong việc chuyển giao kỹ thuật thi công tiên tiến ở công trình cầu Nhật Tân và đánh giá cao sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án cũng như thái độ công bằng của đơn vị tư vấn giám sát.

Tôi tin tưởng rằng với việc hoàn thành cầu Nhật Tân, chúng tôi đã góp phần vào sự giao thương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam” - ông Tojuro Nishi bày tỏ.