Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị bán lẻ tiêu thụ sản phẩm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021 sẽ tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp bán lẻ với đơn vị sản xuất qua đó tiêu thụ sản phẩm. Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư –Thương mại-Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh khi nói về Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021, dự kiến diễn ra từ ngày 16 - 19/12/2021.

Đây là lần thứ 8 HPA tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021, vậy ban tổ chức đặt ra những mục tiêu gì trong kỳ tổ chức hội chợ lần này thưa bà?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021 được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh thành quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc sản của các địa phương, đồng thời kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm... Đặc biệt, thông qua việc tổ chức hội chợ, HPA còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất kết nối với các doanh nghiệp phân phối, tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm bền vững, lâu dài. Ở chiều ngược lại doanh nghiệp phân phối đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xây dựng vùng chuyên sản xuất đặc sản vùng miền chất lượng cao.
Thực tế cho thấy thông qua hội chợ, nhiều đơn vị, địa phương đã kết nối cung ứng sản phẩm cho nhau, tạo ra các chuỗi cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng các địa phương bảo đảm chất lượng, hàng hoá. Có thể nói qua các kỳ tổ chức, hội chợ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và quy mô và đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại uy tín để doanh nghiệp và các địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng; Tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Trong kỳ tổ chức lần này, Hội chợ đặc sản vùng miền đã thu hút được bao nhiêu tỉnh, thành tham gia thưa bà?
 Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh

Thực tế cho thấy Hội chợ đặc sản vùng miền đã mang lại nhiều lợi ích kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa nên nên trong kỳ tổ chức hội chợ lần này mặc dù dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng hội chợ với quy mô 150 gian hàng tại một số hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Vincom, Vinmart, Big C, BRG mart… đã thu hút 40 tỉnh thành trong cả nước tham dự. Đối tượng tham gia gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các đơn vị như Sở Công thương, Sở NN&PTNT, trung tâm xúc tiến thương mại, khuyến công...của các tỉnh, thành trong cả nước.
 Trong thời gian diễn ra hội chợ, các doanh nghiệp sẽ trưng bầy, giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô các mặt hàng đặc sản, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền như thủy hải sản, nông sản thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống, gia vị, trái cây, bánh kẹo, chè, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng... Những sản phẩm này đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù có tiềm năng cũng như nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam là rất lớn nhưng việc phát triển, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, vậy đâu là nguyên nhân, phương an khắc phục những hạn chế này thưa bà ?
Địa phương nào cũng có sản phẩm đặc sản đặc trưng vùng miền, nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa nhận thức đầy đủ giá trị nên chưa chú trọng trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, chất lượng, mẫu mã...
 Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ Đặc sản vùng miền 2020

 
Để khắc phục những nhược điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đầu tư hệ thống sản xuất hợp quy chuẩn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, cải tiến chất lượng mẫu mã, bao bì theo từng nhóm đối tượng khách hàng, có tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường tiêu thụ, qua đó xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu, sản phẩm, trước mắt tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa. Khi đã có đầy đủ kinh nghiệm và xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu mới đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Nhằm phòng chống dịch bệnh, hạn chế lây lan dịch Covid-19, người tiêu dùng đẩy mạnh mua hàng online, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, vậy trong thời gian tới HPA sẽ có những phương án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận công nghệ 4.0 qua đó tiêu thụ đặc  sản vùng miền như thế nào?
Sàn thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng hữu hiệu, nhất là các mặt hàng đặc sản vùng miền, nông sản trong dịch Covid-19. Có như vậy là bởi thương mại điện tử với ưu điểm chi phí thấp kéo theo giá bán một số mặt hàng nông sản, đặc sản rẻ hơn mua trực tiếp, không bó buộc thời gian mua sắm. Tuy nhiên để hỗ trợ người sản xuất đưa đặc sản  vùng miền đòi hỏi cơ quan chức năng như Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân tham gia đưa sản phẩm vào các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee… tiêu thụ. Có thể nói, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tiêu thụ là rất đúng bởi DN không chỉ đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế.
 Người tiêu dùng mua dặc sản vùng miền tại Hội chợ đặc sản vùng miền 2020

HPA là một trong những đơn vị chủ lực của TP Hà Nội trong việc xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nên trong  thời gian diễn ra Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021, HPA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại “Gian hàng Việt” trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Tiki, Postmart…và các ứng dụng và hệ thống bán hàng trực tuyến của các doanh nghiệp bán lẻ. Hoạt động này mở ra cơ hội cho các DN tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, từ đó tìm kiếm những khách hàng mà trước đây đối với kênh truyền thống, DN sản xuất bị giới hạn về không gian, thời gian.
Xin cảm ơn bà!

Các cấp chính quyền cần song hành với DN, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quốc gia và tiến đến hội chợ vùng miền quốc tế để tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản. Đồng thời trên cơ sở liên kết các vùng miền thiết lập hệ thống tiêu thụ đặc sản vùng miền thông qua các sàn giao dịch điện tử tại các TP có thị trường rộng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu