Đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá nhưng anh Đào Quang Vinh, ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu chưa khi nào bớt nỗi lo mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường. Anh Vinh chia sẻ, thời điểm tháng 3 thời tiết âm u cộng với mưa phùn về đêm và sáng sớm dễ làm cho cá chép bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Không chỉ có gia đình anh mà hàng trăm hộ nuôi cá thương phẩm trên địa bàn xã đều trăn trở khi tốn nhiều chi phí chữa bệnh cho cá nhưng vẫn "tiền mất tật mang". Tham dự diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" được tổ chức mới đây, anh Vinh đã biết cách phòng bệnh hiệu quả cho cá. Trong đó, quan trọng nhất là luôn đảm bảo môi trường ao nuôi với nguồn nước sạch, thường xuyên thay nước kết hợp quạt ôxy để loại bỏ độc tố. Đồng thời, trộn tỏi giã nhỏ vào thức ăn cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng, tránh bị nhiễm bệnh.
|
Mô hình nuôi vịt – cá kết hợp của anh Đào Quang Vinh, thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. |
Hộ chị Nguyễn Thị Ký ở thôn Tràng Cát, xã Kim An có 3 sào trồng rau mồng tơi sắp cho thu hoạch nhưng mấy ngày gần đây ruộng rau xuất hiện nhiều chòm bị vàng lá, thối nhũn. Băn khoăn của chị Ký đã được TS Ngô Vĩnh Viễn – Viện Bảo vệ thực vật giải đáp kịp thời. Theo TS Ngô Vĩnh Viễn, đó là triệu chứng của cây bị nhiễm nấm, phát sinh từ trong đất. Vì vậy, nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: Luân canh gối vụ, bón phân chuồng và vôi bột trước khi xuống giống, xử lý đất bằng cách ngâm nước rồi phơi ải.
Theo các chuyên gia, trong sản xuất nông nghiệp, phòng bệnh là quan trọng nhất trong khi đa số nông dân thường xem nhẹ yếu tố này, chỉ khi thấy cây trồng, vật nuôi bị nhiễm bệnh mới chữa trị. Cách làm này vừa không hiệu quả lại tốn kém nhiều chi phí, đó là chưa kể việc lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây tồn đọng dư lượng hóa chất trong nông sản.
Kho thông tin khoa học hữu íchLà địa phương được TP quy hoạch trở thành vành đai xanh của Thủ đô, Thanh Oai chú trọng phát huy thế mạnh nông nghiệp. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, Thanh Oai đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng cây ăn quả 200ha, vùng rau an toàn 200ha, vùng nuôi trồng thủy sản 720ha, vùng chăn nuôi tập trung 47ha... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất.
"Nhịp cầu nhà nông" là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP với tần suất trên dưới 20 diễn đàn/năm. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác.