Cầu nối quan trọng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chăm lo và bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi chính đáng của người lao động, hỗ trợ nâng đời sống; phối hợp đẩy mạnh chính sách xây nhà ở cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp; kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm các chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm chính sách lao động… Đó là những tâm tư của hơn 600.000 đoàn viên và 2,5 triệu người lao động TP Hà Nội gửi tới Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, trong đó có cuộc đối thoại của lãnh đạo TP với các đại biểu dự đại hội.

 Lãnh đạo TP chúc mừng Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI. Ảnh: Phạm Hùng.
Những năm qua, phương châm “hướng về cơ sở” tại các cấp công đoàn (CĐ) Thủ đô thực sự không còn là khẩu hiệu, với hàng loạt chương trình, phần việc, các cấp CĐ đã theo sát người lao động trong việc làm, thu nhập, mọi mặt đời sống; các tâm tư nguyện vọng chính đáng của người lao động… đã được nắm bắt để kiến nghị thực thi. Từ trợ cấp cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, tuyên dương công nhân giỏi, hỗ trợ tạo việc làm… đến việc cho ra đời thêm các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, các cụm văn hóa thể thao đã góp phần mang lại cho người lao động đời sống tinh thần phong phú hơn.
Người lao động tại Hà Nội đã được tiếp cận nhiều hơn với các chính sách, cơ chế liên quan để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Các cuộc gặp gỡ giữa công nhân và lãnh đạo sở, ngành, người sử dụng lao động sẽ kéo gần hơn khoảng cách và giải tỏa những bức xúc.
Nhưng nói như thế không có nghĩa đời sống người lao động đã bớt khó khăn. Như những điều được đề cập tại cuộc đối thoại với lãnh đạo TP có thể thấy, quan trọng nhất của người lao động hiện nay vẫn là thu nhập ổn định, nhà ở, được nâng cao trình độ mọi mặt. Thực sự, tuy TP đã có nhiều quan tâm, nhưng vẫn còn những khó khăn. Ngay vấn đề nhà ở, dù đã có chính sách xã hội hóa, nhưng số lượng người lao động được ở trong các khu nhà do Nhà nước và DN xây dựng vẫn ít. Rồi việc thiếu trường mầm non và nơi vui chơi giải trí... sức ép việc làm… và hàng loạt khó khăn, thiếu thốn khác mà người lao động rất muốn CĐ trợ sức làm thay đổi.

Trước một nhiệm kỳ mới của tổ chức CĐ, những người lao động vẫn hy vọng, các tổ chức CĐ sẽ thực sự đi vào từng ngóc ngách trong đời sống người lao động, để hiểu hơn những điều họ thực sự cần, góp phần giải quyết và phúc đáp thấu đáo hơn những mong mỏi chính đáng của bộ phận lao động quan trọng trong xã hội này.

Để làm được điều đó, như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nói: “Từng cấp CĐ phải thường xuyên tổ chức tốt công tác đối thoại ngay tại cơ sở và nắm bắt kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc; kịp thời tham mưu, đề xuất với TP quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật nhằm động viên kịp thời cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động”.
CĐ phải thực sự là cầu nối quan trọng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó truyền tải tới người sử dụng lao động, cũng như trao đổi ngược lại với người lao động về những mong muốn, yêu cầu của người sử dụng lao động, nhằm giúp hai bên hiểu lẫn nhau, tìm được tiếng nói chung và cùng nhau hướng tới mục tiêu tạo sự gắn kết. Và một điều nữa, người lao động cũng mong muốn, CĐ sẽ tiếp tục tham mưu nhiều hơn nữa để có được những cơ chế, chính sách đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cũng là “cái gậy” để người làm CĐ đấu tranh, giám sát. Và trên hết, rất cần người cán bộ CĐ phải có nghiệp vụ, bản lĩnh, mạnh dạn kiến nghị, tham gia kịp thời giải tỏa các “điểm nóng”, bức xúc của người lao động và không bao giờ được quan liêu, xa rời cơ sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần