Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu nối Sunwah liên kết, hút đầu tư cho doanh nghiệp Việt sau đại dịch

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu thúc đẩy kết nối hợp tác DN Việt Nam và Khu vực Hong Kong – Quảng Đông – Ma Cao (Trung Quốc), hai bên tập trung giới thiệu môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi… kể từ sau đại dịch Covid-19.

Đoàn công tác gồm các doanh nhân và DN lớn của Hong Kong và Khu vực Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc)  đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Điểm nhấn cho sự liên kết, ngày 10/1, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT Việt Nam - FIA); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với các hiệp hội của Hong Kong tổ chức Hội thảo Kết nối hợp tác DN Việt Nam và Khu vực Hong Kong - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc).

Nhiều dư địa hợp tác

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam hiện là đối tác lớn thứ 8 của Hong Kong, trong khi về đầu tư, Hong Kong hiện đứng thứ 5 về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có các dự án quy mô lớn, đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam.

Hội thảo với mục tiêu thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các DN, giới thiệu sự phát triển của Hong Kong; xúc tiến DN Hong Kong đầu tư vào Việt Nam thông qua việc giới thiệu môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong các lĩnh vực như gia công, chế tạo, bất động sản, thương mại, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế vùng…

Sự kiện thu hút đông các doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Sự kiện thu hút đông các doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
 

Tính đến tháng 10/2022, Hong Kong là đối tác đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam, sau Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, với gần 2.200 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 30 tỉ USD. Trong đó, các ngành công nghiệp chính thu hút lượng vốn đầu tư lớn từ Hong Kong bao gồm công nghiệp chế tạo; bất động sản; dịch vụ; nhà hàng khách sạn.

TS Jonathan Choi - Chủ tịch CGCC, HKVCC, GBA Union và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah cho biết, thế mạnh của Hong Kong trong việc kết nối hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc đại lục và các nước ASEAN đã được công nhận từ lâu.

Với vị thế là trung tâm tài chính, thương mại và hàng không quốc tế, trung tâm văn hóa và đổi mới sáng tạo, Hong Kong còn là “siêu kết nối” giữa Trung Quốc đại lục và thế giới. Bên cạnh đó, Hong Kong còn là cửa ngõ quan trọng để các công ty từ Trung Quốc Đại lục đầu tư vào Việt Nam.

Các hoạt động thương mại của Việt Nam có sự gắn kết chặt chẽ với Khu vực Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao, một thị trường rộng lớn khoảng 86 triệu dân với những lợi thế độc nhất như tài nguyên phong phú, công nghiệp dịch vụ và quy mô kinh tế hiện đại.

Sự gần gũi về văn hóa và địa lý cũng đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Hong Kong và và Khu vực Hong Kong - Quảng Đông - Ma Cao trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư và du lịch.

“Với những thành tựu phát triển gần đây của mỗi bên, chúng tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều dư địa hợp tác song phương, cụ thể trong các lĩnh vực nông sản, dịch vụ tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo” – vị này chỉ ra.

Minh chứng thực thi Hiệp định

Theo Cục trưởng Cục Phát triển Thương mại và Kinh tế Hong Kong Algernon Yau, sự kiện là nguyện vọng của Chính quyền Hong Kong trong việc hỗ trợ xúc tiến kết nối hợp tác DN hai bên sau đại dịch.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT Việt Nam) Đỗ Nhất Hoàng. Ảnh: Khắc Kiên
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT Việt Nam) Đỗ Nhất Hoàng. Ảnh: Khắc Kiên

“Dù tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, mang tới nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Algernon Yau nói.

Đồng thời khẳng định, hơn 60 doanh nhân Hong Kong đến Việt Nam lần này là minh chứng rõ ràng nhất về việc thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hong Kong có hiệu lực từ năm 2019 chứng tỏ mối quan hệ giữa hai nền kinh tế đang ngày càng bền chặt. Để tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam, Hong Kong đã đề xuất gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP mà Việt Nam cũng là thành viên. Điều này cũng có nghĩa quan hệ song phương sẽ còn được tăng cường hơn nữa.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT Việt Nam) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, kinh tế Việt Nam và những chính sách mới luôn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đặc biệt là những ưu đãi thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Do đó, trong khuôn khổ sự kiện, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư Hong Kong - Việt Nam giữa Cục Đầu tư nước ngoài và các Hiệp hội CGCC, GBA Union, HKVCC sẽ tạo cơ hội lớn cho các DN.

Đặc biệt, để nắm bắt thông tin, phiên thảo luận với chủ đề “Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hồng Kông và Khu vực Hong Kong - Quảng Đông - Ma Cao: Cơ hội mới dành cho các nhà đầu tư Hong Kong trong thời kì mới” với sự tham gia và đóng góp ý kiến từ các diễn giả hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại tại Việt Nam, Hong Kong và Khu vực Hong Kong - Quảng Đông - Ma Cao đã diễn ra.

Nhiều ý kiến trao đổi ý nghĩa và có chiều sâu liên quan tới các vấn đề như: Cơ sở hạ tầng hỗ trợ ngành sản xuất; Cơ hội cho ngành thương mại; Cơ hội cho các ngành dịch vụ cũng đã được ghi nhận, đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó bao gồm Hong Kong và Khu vực Hong Kong - Quảng Đông - Ma Cao.