Trong quá trình tìm hiểu thông tin về công tác xử lý rác thải cây xanh hậu bão Yagi, phóng viên Kinh tế & Đô thị không khỏi giật mình trước sự cẩu thả của những đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.
Biến đường đi thành bãi rác
Từ trung tâm xã Lại Yên, huyện Hoài Đức nối với dự án đường Vành đai 3,5 có một tuyến đường đang xây dựng dang dở. Đây chính là vị trí được lựa chọn để làm nơi tập kết và xử lý rác thải cây xanh.
Từng đống lớn cành cây, lá cây được tập kết ngồn ngộn hai bên đường. Chẳng cần phân loại cũng không cần giải pháp kỹ thuật đặc biệt nào, cách xử lý số rác thải cây xanh này đơn giải là… đốt cháy.
Tại bãi tập kết bên lề đường theo hướng từ xã Lại Yên đi về QL32, đống cành cây, lá cây vừa kịp úa lá đã được châm lửa cho “hóa vàng”. Ngọn lửa bùng lên kéo theo cột khói trắng cao ngút càng làm cho cái nóng đầu giờ chiều trên con đường làm dang dở trở nên oi bức.
Ngay sát đống lửa, một người phụ nữ và một người đàn ông trung niên trong trang phục quần áo bảo hộ lao động đang vội vàng dọn dẹp và nhặt nhạnh gì đó.
Theo quan sát của phóng viên, ngoài những cành cây nhỏ và lá cây bị đốt, khu vực bãi này còn có rất nhiều thân cây to, gốc cây cổ thụ bị vứt ngổn ngang, lửa bén vào cháy xám đen từng mảng lớn.
Ở chiều đối diện cũng là một bãi rác thải cây xanh lớn đã được… qua xử lý và hiện lên dưới dạng một đống tro, than khổng lồ. Phía dưới lớp tro đen hình thành do lá cây và cành cây nhỏ bị đốt là những khúc cây, cành cây lớn bị cháy nham nhở, đen đúa.
Cạnh đó, một lượng lớn cành cây, lá cây nhỏ đang được tập kết sẵn, lá cây đã héo khô chỉ chờ một mồi lửa là có thể bó thành đống tro, than trong nháy mắt.
Trong quá trình theo dõi bãi tập kết – xử lý rác thải cây xanh tại đây, phóng viên Kinh tế & Đô thị liên tục ghi nhận cảnh chở cành cây, lá cây đến đây tập kết, đồng thời cũng có một số người xuất hiện tổ chức gom nhặt những cành cây không bị đốt cháy, bó lại và chở đi. Theo người dân sống ở gần khu vực này, người gom mang đi để làm củi hoặc bán cho các cơ sở đốt than củi, phục vụ cho các quán nướng trên phố.
Đốt rác hại cả cây xanh
Ngay trong khu đô thị Xuân Phương – Viglacera (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cũng tồn tại một điểm tập kết – xử lý rác thải cây xanh lớn. Điểm tập kết này án ngữ ngay ven đường, cách khu vực sân bóng của khu đô thị vài bước chân.
Tại đây xuất hiện những đống cành cây, lá cây lớn được xếp ngổn ngang ven đường. Và, cũng bằng một cách quen thuộc, số rác thải cây xanh ở đây được xử lý bằng cách đốt cháy.
Cách làm của những người “xử lý” rác thải cây xanh ở đây cẩu thả đến mức tấp luôn cành cây, lá cây khô vào phía dưới những gốc cây xanh và những cây vừa mới được phục hồi sau bão để đốt cháy.
Hậu quả là rất nhiều cây xanh lớn bị ngọn lửa đốt cháy khô cả lá, phần thân và gốc cây dũng bị đốt cháy từng mảng lớn. Phía dưới gốc cây, đống tro, than hình thành sau những lần đốt cháy vẫn còn nóng âm ỉ, thi thoảng lại bốc lên cột khói trắng leo lét.
Cách khu đô thị Xuân Phương – Viglacera chừng 1km, trên phố Miêu Nha (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), khu vực trước khu đô thị Dream Town cũng tồn tại một điểm “xử lý” rác thải cây xanh. Điểm “xử lý” này trên thực tế được hình thành ngay trên nền của một bãi rác tự phát và gây nhức nhối dư luận từ nhiều năm qua.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây cũng có khá nhiều cành, lá cây xanh được tập kết, để xen lẫn với các loại rác thải sinh hoạt bị đổ trái phép rồi cùng đem ra “xử lý” bằng cách đốt cháy.
Còn nhớ, cách đây vài tháng, Báo Kinh tế & Đô thị từng có bài phản ánh về việc đốt rác gây ô nhiễm môi trường tại bãi rác tự phát này. Tuy nhiên, sau đó tình trạng không những không được cải thiện mà vẫn tái diễn, khiến dư luận người dân khu vực bức xúc.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin thêm về sự việc trên.