Cầu Trần Hưng Đạo: Nét kiến trúc mang hơi thở thời đại

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn nhận định, các phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đều mang hơi thở thời đại, gắn kết với văn hoá Hà Nội.

Điểm nhấn trong lõi đô thị

Sáng 1/3, Sở QH&KT phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã khai mạc triển lãm các phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo ưu việt nhất.

Tại đây 3 phương án kiến trúc đoạt giải cao nhất trong 20 phương án dự thi thiết kế cầu Trần Hưng Đạo (do 12 đơn vị tham dự), cùng phương án được tuyển chọn ban đầu với tên gọi “Xứ Đông Dương”, được trưng bày cho người dân đến tham quan, góp ý từ ngày 1 - 31/3.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, cầu Trần Hưng Đạo là cong trình công cộng quy mô lớn. “Cầu vượt sông Hồng, kết nối đô thị trung tâm với khu vực phát triển mới phái Đông Bắc Thủ đô, không chỉ giải quyết nhu cầu về giao thông mà còn là công trình có ý nghĩa văn hoá, điểm nhấn trong khu vực lõi đô thị của Hà Nội” - ông Nguyễn Chí Cường nói.

Gián đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường phát biểu khai mạc triển lãm
Gián đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường phát biểu khai mạc triển lãm

Vì vậy, để tìm ra phương án thiết kế kiến trúc phù hợp nhất, được người dân đồng tình ủng hộ cao nhất, tháng 10/2021, UBND TP Hà Nội đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Cuộc thi đã thu hút 12 đơn vị tham dự với 20 đồ án thiết kế. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, bên cạnh yếu tố về văn hóa, thẩm mỹ, bài thi còn cần phải đáp ứng được hai điều kiện nữa.

Một là, về cấu trúc giao thông, cầu phải có được thiết kế vận dụng hợp với thực tiễn, có chức năng giảm tải cho các cây cầu hiện có, tạo sự kết nối với trung tâm TP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Bắc sông Hồng.

Kết thúc cuộc thi, phương án thiết kế mã số THĐ12, với tên gọi: “Sự thịnh vượng vĩnh cửu trên sông Hồng” đã đạt giải Nhất.
Kết thúc cuộc thi, phương án thiết kế mã số THĐ12, với tên gọi: “Sự thịnh vượng vĩnh cửu trên sông Hồng” đã đạt giải Nhất.

Thứ hai là về mặt giá thành, phương án được lựa chọn phải phù hợp với yêu cầu về tổng mức, theo quy định của Hà Nội và nhận được sự đồng thuận của người dân Thủ đô.

Kết thúc cuộc thi, phương án thiết kế mã số THĐ12, với tên gọi: “Sự thịnh vượng vĩnh cửu trên sông Hồng” đã đạt giải Nhất. Giải Nhì thuộc về đồ án mang mã số THĐ18 với tên gọi: “Hào khí Thăng Long - Rồng trên đất Rồng”; Giải Ba là phương án mang mã số THĐ07.

Cả ba đồ án được trưng bày, lấy ý kiến người dân tại Nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm). Cùng với đó, phương án “Xứ Đông Dương”, được lựa chọn theo hình thức tuyển chọn cũng được trưng bày đồng thời với 3 đồ án thiết kế đạt giải nêu trên.

Bất ngờ với lựa chọn của người dân

Ngay trong buổi sáng ngày 1/3, nhiều người dân đã đến tham quan các phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được trưng bày tại Nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng. Một bất ngờ thú vị là nhiều ý kiến quan tâm, tán thưởng lại dành cho phương án thiết kế “Xứ Đông Dương” được chủ đầu tư lựa chọn ban đầu.

Ông Nguyễn Minh Cừ, trú tại số 25 ngõ Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng cho hay, được biết thông tin triển lãm 3 phương án cầu Trần Hưng Đạo nên đã chủ động đến xem.

Người dân đến tham quan triển lãm các phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo sáng 1/3.
Người dân đến tham quan triển lãm các phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo sáng 1/3.

“Phương án “Xứ Đông Dương” được đề xuất ban đầu rất đẹp, hoành tráng, tương xứng với Hà Nội, hài hoà nét đẹp cổ kim. Hà Nội cũng nên phát phiếu lấy ý kiến cộng đồng đến tận các cụm dân cư sẽ sát thực hơn” - ông Nguyễn Minh Cừ nói.

Ông Nguyễn Phú Lâm, trú tại đường Hồng Hà, phường Phúc Xá, quận Ba Đình chia sẻ, khu Long Biên là đô thị mới, Trần Hưng Đạo là đô thị cũ nên cây cầu nối hai khu vực này phải có kiến trúc tổng hoà những nét hiện đại với cổ kính. Ngoài ra phải thuận tiện cho người dân cả khi sử dụng phương tiện giao thông lẫn đi bộ.

“Các phương án thiết kế đều đẹp, hài hoà nhưng quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo lợi ích cho người dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ” – ông Nguyễn Phú Lâm nhận định.

 

"Việc lựa chọn được phương án thiết kiến trúc tối ưu nhất là bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án, hướng đến xây dựng một công trình đẹp, bền vững, phù hợp quy hoạch, hài hoà với cảnh quan đô thị, đồng thời là điểm nhấn kiến trúc đô thị của Hà Nội - Thành phố vì hoà bình, sáng tạo, văn minh, văn hiến" - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho hay, 20 phương án dự thi tuyển chọn thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đều rất chất lượng, tương đối đồng đều.

Trong đó, cả ba phương án được chọn triển lãm đều có những sắc thái khác nhau, biểu hiện được kiến trúc mới mang hơi thở thời đại; mà có tính văn hoá gắn kết với Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đồng thời các phương án đã đảm bảo rất tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình xây dựng, giá thành hợp lý.

“Hà Nội nằm trong hệ thống các đô thị sáng tạo trên thế giới. Bởi vậy mỗi công trình kiến trúc không chỉ mang đậm nét văn hoá đặc trưng mà còn phải hoà cùng xu thế chung, sáng tạo, hiện đại của thế giới. Hội đồng đã chấm rất kỹ, tuyển chọn ra những phương án toàn diện nhất để người dân tham quan và cùng cho ý kiến” - ông Phan Đăng Sơn nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần