Chấp nhận “đi đêm”
Lách lãi suất 1%; 0,25% cộng quà tặng hay 0,5% cộng dịch vụ tận nơi… là chiêu thức lách trần lãi suất USD mà các ngân hàng thương mại đang ngầm áp dụng với người gửi tiền. Ngoài ra, thay vì trực tiếp nhận lãi từ khoản tiền gửi bằng USD, khách được tư vấn gửi thêm một khoản tiền Việt. Sau đó, toàn bộ lãi từ khoản tiền gửi USD được cộng dồn vào lãi của khoản tiết kiệm VND vốn không có quy định khống chế trần lãi suất.
Câu chuyện ngân hàng lách trần huy động USD đã rộ lên từ tháng 3, tháng 4 năm nay và chìm xuống khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “tuýt còi” vào tháng 5. Tuy nhiên, đến nay tình trạng lách trần lại xuất hiện trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận. Trong khi đầu vào đã bị “bịt”, nhưng nhu cầu vốn ngoại tệ của DN luôn tồn tại, với lãi suất vay USD lên tới 3 - 4% năm, nên các ngân hàng vẫn đang cố gắng huy động vốn bằng USD. Nếu trả lãi 0%, ngân hàng khó huy động USD.
Trên thực tế, 9 tháng năm 2016, tiền gửi ngoại tệ từ dân cư có xu hướng giảm tương đối mạnh so với cuối năm trước. Trần lãi suất huy động USD áp 0%/năm, khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Chính sách cho vay ngoại tệ bắt đầu mở lại cho nhóm đối tượng lớn. Vì vậy, ngân hàng chấp nhận “đi đêm” trả lãi thấp cho các khoản huy động USD để có được các khoản tiền gửi có kỳ hạn, bù lại có thể yên tâm cho vay lại với lãi suất cao mà không sợ rủi ro.
Nguồn cung vẫn đảm bảo
Thị trường ngoại hối có thể nói đang ghi nhận những phiên giao dịch với không khí sôi động nhất từ đầu năm tới nay. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thông thường nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, do đó nhu cầu vốn ngoại tệ có thể tăng lên. Lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại sẽ ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất tiền đồng, điều này đồng nghĩa với việc chênh lệch lãi suất vay USD và tiền đồng có thể giãn ra và sẽ kích thích các DN vay ngoại tệ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại kỳ đầu tháng 9 thâm hụt 322 triệu USD, nợ công, nợ xấu tăng lên… Đồng Nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục mất giá những tháng cuối năm…, cho thấy các yếu tố hỗ trợ tỷ giá cuối năm nay sẽ không được thuận lợi như trong nửa đầu năm 2016.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, 9 tháng năm 2016, dự trữ ngoại tệ tăng cao trước hết xuất phát từ sự gia tăng nguồn cung ngoại tệ từ các luồng vốn vào quan trọng của cán cân thương mại như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối, nguồn ngoại tệ do khách du lịch nước ngoài chi trả tại Việt Nam. Trong đó, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất. Với chính sách tự do hoá các giao dịch vãng lai, nguồn kiều hối chảy về nước liên tục gia tăng trong các năm vừa qua, dấu hiệu cho thấy năm 2016, Việt Nam có thể vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia có lượng kiều hối cao. Điều này góp phần dẫn tới cân đối thuận lợi cho tỷ giá.
Thực tế lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay, thu từ kinh doanh vàng, thu từ các hoạt động tài chính phái sinh sau khi trừ đi chi phí. Trong đó, ở hầu hết các ngân hàng, lãi từ hoạt động kinh doanh vàng đóng góp không đáng kể trong 3 quý đầu năm. Thời gian gần đây, một số ngân hàng TMCP như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, SHB từng ghi nhận lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối tích cực, chủ yếu đến từ một số mảng: Dịch vụ môi giới mua bán ngoại tệ (mua của khách hàng có nhu cầu bán và bán ngay cho người mua để hưởng chênh lệch và giữ nguyên trạng thái ngoại tệ); có thể lấy từ nguồn USD huy động từ khách hàng rồi bán lại cho người mua; giao dịch ngoại tệ phái sinh. Đây thực chất là các hợp đồng chuyển tiếp, tức các hợp đồng kỳ hạn với khách hàng, đặc biệt là với khách hàng xuất nhập khẩu.