Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cây ATM gạo” nghĩa tình ở Gia Lâm

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với nhiều cây “ATM gạo” trên cả nước, trong tuần qua, UBND huyện Gia Lâm đã khai trương “Cây ATM gạo - Nghĩa tình Gia Lâm”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 mà huyện Gia Lâm đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

Không bỏ rơi người khó khăn, cơ nhỡ
Nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thị Hà, công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm được công ty cho nghỉ vì ít việc. Do không có thu nhập tích lũy nên chỉ sau nửa tháng, chi tiêu của gia đình chị đã gặp khó khăn.
Ngày 17/4, nghe tin UBND huyện Gia Lâm mở cây “ATM gạo” ở Nhà thi đấu của huyện, chị bế con qua xếp hàng nhận 2kg gạo. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết, dù không phải là món quà lớn nhưng những túi gạo này cũng đủ cho gia đình chị sử dụng được vài ngày.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh tiếp nhận ủng hộ của các cá nhân, đơn vị
Tương tự, anh Hoàng Việt Hùng, một công nhân bốc xếp ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm hơn 1 tháng nay cũng không có việc làm. Đến cây “ATM gạo” của huyện Gia Lâm nhận 2kg, anh vui vẻ cho biết: “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, dù chỉ là mấy cân gạo nhưng đó là món quà ý nghĩa cho những người cơ nhỡ”.
Ông Lý Duy Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, để hỗ trợ người lao động, công nhân của các doanh nghiệp, công nhân trong các khu công nghiệp, người dân cơ nhỡ, gặp khó khăn trong và ngoài địa bàn, UBND huyện Gia Lâm đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ “Cây ATM gạo - Nghĩa tình Gia Lâm”. Chỉ sau 2 ngày phát động, đến sáng 17/4, “Cây ATM gạo” đã nhận được hơn 26 tấn gạo, gần 50 triệu đồng và một số nhu yếu phẩm khác.
Trong số các cá nhân, đơn vị chung tay ủng hộ, có thể kể đến: Công ty CP Toàn Thắng ủng hộ cây ATM và 5 tấn gạo; ngành GD&ĐT huyện ủng hộ 3 tấn gạo; Ủy ban MTTQ huyện ủng hộ 2 tấn gạo; Đảng bộ khối Doanh nghiệp huyện ủng hộ 2 tấn gạo; khu Làng nghề Kiêu Kỵ ủng hộ 1,5 tấn gạo; Làng nghề Bát Tràng ủng hộ 3,5 tấn gạo; ông Nguyễn Huy Việt - nguyên Bí thư Huyện ủy Gia Lâm ủng hộ 1 tấn gạo... và nhiều tổ chức, cá nhân khác, trong đó có một số doanh nghiệp, cá nhân giấu tên.
 Người dân nhận hỗ trợ từ cây ''ATM gạo''
Tiếp tục kêu gọi ủng hộ, duy trì
Cũng theo ông Lý Duy Thanh, thời gian qua, cùng với Nhân dân cả nước và Thủ đô, Nhân dân Gia Lâm đã đoàn kết, đồng lòng phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân là một “pháo đài chống dịch”. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện đến nay đã đạt được kết quả tích cực. Toàn huyện không có ca mắc Covid-19; các trường hợp F1, F2, F3 được rà soát cách ly, theo dõi sức khỏe và giám sát chặt chẽ.
Trước khi phát động ủng hộ cây “ATM gạo” để giúp đỡ công nhân, người lang thang cơ nhỡ, huyện Gia Lâm đã phát động phong trào chung tay, góp sức ủng hộ hàng hóa, hiện vật, kinh phí của toàn xã hội cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt cho các gia đình người có công, hộ cận nghèo, hộ khó khăn... trên địa bàn. Đến nay, qua các kênh tiếp nhận, toàn huyện đã nhận được sự hỗ trợ tổng trị giá hơn 9,1 tỷ đồng và sử dụng đúng mục đích.
Đối với cây “ATM gạo”, sau khi đi vào hoạt động, huyện vẫn sẽ tiếp tục vận động toàn dân ủng hộ, đóng góp đến hết ngày 30/4/2020, nếu thiếu huyện sẽ hỗ trợ để đảm bảo lúc nào cũng đầy gạo. Trung bình mỗi lần đến lấy gạo, người dân sẽ nhận được 2kg.
Để tránh xảy ra tình trạng người không thuộc diện khó khăn, cơ nhỡ vẫn đến lấy gạo miễn phí như đã từng xảy ra ở một số cây “ATM gạo” trên địa bàn TP, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng nhằm khơi dậy lòng tự trọng, tinh thần vì người khác của Nhân dân. Phương thức tuyên truyền là sử dụng hệ thống đài truyền thanh tại các xã, thị trấn và bằng xe lưu động có gắn loa.
Ông Thanh cũng cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm có khoảng 10.000 người gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài việc hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn..., việc phát động và duy trì cây “ATM gạo” có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người công nhân, người làm thuê, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
“Cây ATM gạo - Nghĩa tình Gia Lâm” chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/4 đến hết ngày 30/4, tại Nhà thi đấu Gia Lâm, số 437 đường Ngyễn Đức Thuận, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau thời gian trên, UBND, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Gia Lâm sẽ xem xét việc duy trì tùy theo diễn biến của dịch bệnh và tình hình thực tế.
Tính đến hết ngày 18/4, đã có 48 tổ chức và trên 50 cá nhân ủng hộ “Cây ATM gạo – Nghĩa tình Gia Lâm” với tổng số 39,5 tấn gạo, hơn 53 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm khác trị giá 78 triệu đồng.