Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cây nêu công nghệ ngày Tết

Nhà thơ Nguyễn Trung Hợi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ xa xưa mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân nước Việt chúng ta thường dựng cây nêu ngày Tết. Bằng chứng đã lưu truyền trong câu nói của dân gian: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cao nêu, kêu pháo bánh chưng xanh...". Vậy, tại sao lại có cây nêu ngày Tết?

Cây nêu công nghệ tại TP Vinh.
Tích xưa loài quỷ dữ ức hiếp người dân, quỷ thấy người dân trồng trọt nên đòi chia phần. Quỷ đòi ăn ngọn, dân lấy gốc. Phật thương tình bày cho người dân trồng khoai. Đến mùa, quỷ thấy người dân bới củ về nhiều tức lắm lại đòi mùa sau lấy gốc dân lấy ngọn. Phật lại bày cho người dân trồng lúa. Đến mùa người dân gặt lúa mang về để gốc rạ cho quỷ. Quỷ tức giận lại đòi mùa sau lấy cả gốc và ngọn. Phật lại bày cho người dân trồng ngô. Đến mùa người dân bẻ bắp ngô mang về, quỷ tức lắm không làm gì được nên đòi lại đất. Phật lại bày người dân mua đất bằng bóng chiếc áo cà sa, đầu tiên quỷ không đồng ý, nhưng sau thấy chiếc áo cà sa nhỏ mà giá bán thì cao nên quỷ đồng bán đất cho người dân.

Người dân trồng cây nêu rồi trải áo cà sa lên. Phật hóa phép cho cây nêu cao lên, cây nêu càng cao bóng áo cà sa càng rộng và người dân lấy hết phần đất. Loài quỷ không còn đất phải chạy ra biển ở và thường gây chiến với người.

Trong những năm gần đây và nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, cây nêu truyền thống đã được người dân cải tiến bằng công nghệ mới, vẫn là cây nêu bằng tre nhưng được lựa chọn rất kỹ càng như cây tre cao suôn, phần trên có độ cong đẹp, có cả ngọn tre, cây càng cao càng giá trị. Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, người Nghệ An xa xứ về quê ăn Tết hoặc du khách có dịp đi qua vùng đất này sẽ được chiêm ngưỡng hai bên đường, trước từng căn nhà, nơi sinh hoạt cộng đồng được người dân dựng những cây nêu tuyệt đẹp. Người ta gọi đây là cây nêu công nghệ. Ngoài cây tre truyền thống thì cây nêu được trang trí rực rỡ những sắc màu của ánh đèn nhấp nháy, từng dây đèn mắc nối tiếp từ gốc đến ngọn cây nêu được bàn tay con người tạo nên nhiều hình thù khác nhau. Dù có thay đổi công nghệ mới hiện đại nhưng trên cây nêu nhiều người vẫn không quên treo dải giấy đỏ, đèn lồng, câu đối, đó là truyền thống văn hóa từ xa xưa của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Cây nêu ngày Tết là nét văn hóa đẹp của dân tộc ta, cây nêu được dựng lên dịp 23 tháng Chạp, ngày Táo quân về trời và hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng. Truyền thuyết về triết lý Phật giáo là những ngày Tết tính từ khi Táo quân về trời không có thần linh trông coi địa trạch nên con người dựng cây nêu để trừ tà ma, quỷ dữ. Và như tích xưa đã nói trên thì triết lý cây nêu thâm sâu như là biểu tượng cho một dân tộc hầu hết là nông dân trồng trọt vất vả quanh năm những thành quả làm ra cần được bảo vệ tránh cướp bóc của quỷ dữ.

Ý nghĩa của việc trang trí cây nêu như đèn lồng là ánh sáng để dẫn lối cho tổ tiên về. Khánh đất là biểu thị phúc đức may mắn. Cành dứa gai, dải đỏ và vôi bột để trừ tà ma quỷ dữ. Câu đối biểu thị cho trí tuệ con người. Cây nêu bằng tre gồm những đốt tre là bậc thang cho thần linh trèo lên ngọn cây nêu để thưởng ngoạn phong cảnh ngày Tết và trấn dữ không cho tà ma xâm nhập. Ngày nay, cây nêu công nghệ được trang trí lộng lẫy hơn, hài hòa kim - cổ. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng ta lại được chiêm ngưỡng món ăn tinh thần này thật là vui và đẹp mắt.