Ngày 10/4, nhà sáng lập và là CEO Facebook Mark Zuckerberg đã tham dự phiên điều trần đầu tiên kéo dài 5 giờ trước Quốc hội Mỹ. Trong phiên điều trần, mặc dù hàng chục thượng nghị sĩ cố gắng chỉ trích ông Zuckerberg nhưng dường như chưa tập trung vào đúng trọng điểm.
Ngày 10/4, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã tham dự phiên điều trần đầu tiên tại Quốc hội Mỹ. |
Tại phiên điều trần, CEO Facebook chính thức xin lỗi trước Quốc hội Mỹ vì những sai phạm dẫn đến bê bối rò rỉ thông tin người dùng liên quan đến công ty Cambridge Analytica, đồng thời nhấn mạnh, Facebook đang xem xét lại trách nhiệm với người dùng và xã hội.
"Rõ ràng là chúng tôi chưa có các hành động kịp thời để ngăn chặn các công cụ này bị lợi dụng cho tin tức giả, can thiệp của nước ngoài vào các cuộc bầu cử, các phát ngôn thù địch cũng như bảo mật của nhà phát triển và cơ sở dữ liệu", ông Zuckerberg phát biểu tại cuộc điều trần chung giữa 2 Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thương mại Thượng viện.
Trong cuộc điều trần, ông Zuckerberg đối mặt với các câu hỏi về vấn đề thu thập dữ liệu của Facebook, tin đồn về sự độc quyền và quan điểm về việc quản lý các công ty mạng. Tuy nhiên, vì số lượng thượng nghị sĩ lên tới 44 người và giới hạn 5 phút cho mỗi câu hỏi, ông Zuckerberg dường như hầu như không bị đẩy vào thế chống đỡ do mỗi vấn đề không bị xoáy sâu.
Đây là lần đầu tiên ông Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. "Thật bất thường khi tổ chức một cuộc điều trần chung thế này. Càng bất thường hơn khi chỉ có duy nhất một CEO làm chứng trước gần một nửa các thượng nghị sĩ Mỹ", thượng nghị sĩ John Thune - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ nhận xét.
Khi thượng nghị sĩ Thune đặt câu hỏi tại sao người dân nên đặt lại niềm tin vào Facebook, CEO Zuckerberg thừa nhận đã "mắc nhiều sai lầm trong việc điều hành công ty". "Thật khó có thể thành lập một công ty trong phòng ký túc xá rồi phát triển với quy mô lớn như hiện nay mà không mắc phải vài sai lầm", ông Zuckerberg nói.
Tuy nhiên, ông chủ Facebook cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc thay đổi đối với mạng xã hội này.
Trong suốt phiên điều trần, ông Zuckerberg khẳng định, Facebook đang thực hiện một "thay đổi triết lý sâu rộng hơn trong cách điều hành", cụ thể là "nắm vai trò chủ động hơn" thay vì tập trung vào "xây dựng công cụ".
Dù ông chủ Facebook có vấp váp khi trả lời một số câu hỏi nhưng về tổng thể, các nhà đầu tư dường như hài lòng về biểu hiện của ông Zuckerberg, khiến cổ phiếu công ty tăng 4,5% vào cuối ngày.
Cuộc điều trần diễn ra gần 1 tháng sau khi tờ New York Times and the Observer cho biết, Công ty dữ liệu Cambridge Analytica có khả năng tiếp cận thông tin của 50 triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ lan ra. Những thông tin này có thể được sử dụng để tác động đến cử tri trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ứng viên đảng Cộng hòa lúc đó là ông Donald Trump. Mới đây, Giám đốc Kỹ thuật của Facebook Mike Schroepfer khẳng định có tới 87 triệu người dùng bị thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ các mục đích khác nhau.
Sau phiên điều trần này, ông Zuckerberg sẽ ra điều trần thêm một lần nữa trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện vào ngày 11/4.