CEO Nguyễn Văn Luyến: UDIC luôn về đích đúng hẹn

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất thân từ một kỹ sư xây dựng, rồi kinh qua nhiều vị trí khác nhau và đến nay, trở thành Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC khi mới 39 tuổi, ông Nguyễn Văn Luyến cho rằng, chưa có môi trường làm việc nào mà bản thân cảm thấy được thỏa sức phát huy, phát triển và học hỏi như ở nơi đây.

Nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam, Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với CEO Nguyễn Văn Luyến xung quanh vấn đề này.

Dấu ấn những công trình

Là CEO của một thương hiệu uy tín trên thị trường xây dựng, được bổ nhiệm vào đúng năm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, ông có thể chia sẻ một chút về cảm xúc này?

- Việc trở thành CEO của UDIC ngày hôm nay thực sự là niềm vinh dự và tự hào đối với cá nhân tôi, đặc biệt đúng năm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Những nỗ lực và cống hiến của bản thân thời gian qua đã được tập thể, lãnh đạo Tổng Công ty và TP ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy cũng bộn bề lo lắng, trăn trở, làm sao tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước, trong bối cảnh thị trường xây dựng phát triển đa dạng với áp lực cạnh tranh lớn, lại chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19.

 Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC Nguyễn Văn Luyến.

Nhắc đến đại dịch Covid-19, tôi mới nhớ ra, UDIC đã thi công một dự án rất thần tốc đó là Bệnh viện dã chiến Mê Linh chỉ trong 7 ngày, vào cuối tháng 3/2020, sau chưa đầy một tháng ông nhậm chức Tổng Ggiám đốc UDIC. Hẳn có nhiều khó khăn với ông?

- Về kinh nghiệm thi công thì không có khăn gì vì cách đây 10 năm, tôi đã là chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ đạo thi công một số công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chỉ có điều, năm đó áp lực cũng lớn nhưng vẫn không bằng thi công bệnh viện dã chiến này. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phải huy động từ 300 - 500 công nhân, cùng nhiều máy móc, thiết bị… thi công trong thời gian ngắn là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tôi đã trực tiếp chỉ đạo tại công trường, các hạng mục cơ bản đã hoàn thành trong vòng 1 tuần. Khi thi công xong bệnh viện chưa phải sử dụng đến, dù vậy cũng rất vui vì dịch bệnh đã dần được đẩy lùi.

Vừa rồi, ông nhắc đến việc làm chỉ huy trưởng công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vậy trong số 8 công trình được UBND TP Hà Nội gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 Thăng Long- Hà Nội, công trình nào mang dấu ấn của ông?

- Năm 2010, UDIC đã được UBND TP Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thi công 6 dự án với 13 gói thầu trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Công trình Công viên Hòa Bình, đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, cải tạo hồ Bảy Mẫu, trường Hà Nội – Amstecdam, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội giai đoạn 2... Cũng trong năm 2010, với tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, UDIC đã xây tặng TP công trình cải tạo môi trường hồ Vả - quận Tây Hồ với tổng giá trị 20 tỷ đồng bằng nguồn vốn của DN.

Trong số công trình UDIC thực hiện năm đó, công trình mà tôi trực tiếp làm chỉ huy trưởng, đó là gói thầu số 15 - Dự án xây dựng đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, có giá trị hợp đồng 153.34 tỷ đồng, được bàn giao và làm lễ gắn biển ngày 26/9/2010. Ngày đó, dường như 24/24 tôi đều trực chiến tại công trình. Ban ngày tôi ở công trình dưới Vĩnh Tuy, đến cuối buổi chiều lên hỗ trợ thi công dự án Công viên Hòa Bình. Đáng mừng, các công trình đều đúng và vượt tiến độ đề ra, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, chất lượng. Đây thực sự là kết quả nỗ lực, tâm huyết và quyết tâm của của tập thể cán bộ lãnh đạo, công nhân lao động UDIC.

Chuyển từ làm thuê sang làm chủ

Có bài học nào rút ra từ những năm tháng ấy, đối với vị trí thuyền trưởng như hiện tại, thưa ông?

- Phải nói là rất nhiều bài học được rút ra từ những công trình mang dấu ấn nhưng đầy áp lực về tiến độ cũng như chất lượng thời ấy. Ví như trước khi tiến hành thi công phải xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và tuyệt đối tuân thủ kế hoạch đã đề ra. Khi triển khai cần tuân thủ chặt chẽ theo 3 bước: Từ khâu chuẩn bị, triển khai theo kế hoạch và đặc biệt là khâu hồ sơ thanh quyết toán phải gọn gàng, nhanh chóng, kịp thời thu hồi vốn phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh.
Thi công tu sửa bệnh viện dã chiến Mê Linh. Ảnh Thanh Hải

Được biết, UDIC cũng là một trong những nhà thầu thi công dự án đường Vành đai 3 Mai Dịch - Phạm Văn Đồng. Đây là một trong những công trình khánh thành chào mừng 1010 Thăng Long – Hà Nội. Ông có thể chia sẻ về việc thực hiện dự án?

- Tổng Công ty UDIC thi công gói thầu số 2 dưới thấp của Dự án đường Vành đai 3 Mai Dịch - Phạm Văn Đồng. Thực hiện gói thầu này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là vấn đề GPMB. Toàn bộ tuyến đường này có hơn 1.000 hộ dân đất thổ cư phải di dời GPMB, bố trí tái định cư. Tiếp đến, việc chặt hạ hơn 900 cây xanh cổ thụ trong điều kiện thời tiết nắng nóng và di chuyển các công trình ngầm, nổi cũng khiến quá trình thi công không dễ dàng.

Hơn nữa, việc phân luồng đảm bảo giao thông hết sức khó khăn vì đây là tuyến đường giao thông huyết mạch ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội nên mật độ giao thông cao, trong khi đó, cùng trên một cung đường, bên dưới là dự án chúng tôi thi công, trên đầu là dự án cầu cạn trên cao. Dù vậy, dự án đã về đích đúng hẹn, đúng dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô, góp phần khớp nối thông tuyến dự án đúng dịp chào mừng kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội.

Ông có thể cho biết, chiến lược sắp tới của UDIC?

- Hiện tại, chúng tôi vẫn xác định: Đấu thầu thi công xây lắp và Đầu tư kinh doanh bất động sản là 2 ngành nghề mũi nhọn, chủ lực của UDIC. Trong đó, đối với lĩnh vực bất động sản, chiến lược xuyên suốt và chủ đạo của Tổng Công ty là chuyển dần tư vai trò làm thuê sang làm chủ. Nói nôm na, trước đây UDIC chủ yếu là đơn vị thi công nhưng bây giờ và tương lai sẽ làm chủ dự án là chính.

Trong thời gian tới, UDIC sẽ đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc khách hàng. Đối với căn hộ dòng cao cấp, sẽ là những sản phẩm gắn liền với tiện ích xanh, công nghệ thông minh trong quản lý căn hộ… tiến tới tiêu chuẩn thành phố thông minh. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, UDIC sẽ tìm kiếm các đối tác để liên doanh triển khai dự án NO1 Hạ Đình vừa được TP phê duyệt chủ trương.

Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, UDIC sẽ đẩy mạnh triển khai dự án Cụm Công nghiệp CN3 Sóc Sơn và rất nhiều dự án tại các tỉnh, thành khác. Tổng Công ty UDIC cũng tiếp tục quan tâm và tập trung vào việc dự thầu - đấu thầu các gói thầu phục vụ an sinh xã hội của TP trong các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, nhà ở, hạ tầng đô thị và các công trình trọng điểm khác.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần