Cha mẹ có nên nói dối con trẻ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia không nên làm như vậy, điều này đến người lớn còn sợ nữa là trẻ.

 Những lời nói dối của các bậc phụ huynh với các con nhỏ thường gắn với nhiều hoàn cảnh khác nhau và ông bố, bà mẹ nào cũng có những lý do xem ra rất hợp lý. Liệu những lời nói dối ấy có nên hay không và sẽ ảnh hưởng như nào đối với trẻ?

Theo các chuyên gia, trước hết đối với trẻ là phải nói thật về mặt nguyên tắc, nếu có nói dối phải ở trong chừng mực mà người ta thường gọi là “lời nói dối chân thực”.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ví dụ trong hoàn cảnh của một gia đình có người chồng đi chiến trường và hy sinh, trong lúc đó ở nhà người vợ có mang từ trước và sinh con. Từ khi sinh con ra cho đến lúc nuôi con lớn lên, người mẹ này dù biết tin chồng đã hy sinh nhưng vẫn nói với con rằng bố đang đi chiến đấu và sẽ trở về. Cho đến tận khi người con đã trưởng thành mới hiểu rằng bố mình đã hy sinh. Đó là cách nói dối chân thực, giúp cho đứa trẻ tĩnh tâm và không bị sốc ngay từ thuở nhỏ.

Vậy khi nào thì có thể nói dối trẻ? Theo các chuyên gia, thường trong những trường hợp bi ai nên đôi lúc người ta nói tránh đi để cho đứa trẻ tránh được sự tổn thương về tâm hồn.

Có những hợp không hoàn toàn là nói dối mà chỉ là lời động viên con trẻ. Chẳng hạn trẻ làm chưa đến mức cao nhưng mình cũng khen thì lời khen đó là động viên để trẻ hướng tới mục tiêu.

Một số bậc phụ huynh thường đem yếu tố tâm linh hoặc một thế lực hùng mạnh nào đó ra để nhằm mục đích làm cho trẻ sợ như dọa ma chẳng hạn. Theo các chuyên gia không nên làm như vậy, điều này đến người lớn còn sợ nữa là trẻ. Ban đầu nếu dùng tâm linh để dọa trẻ có thể trấn an được nó, đưa nó vào một nếp sống, quy củ, trật tự nhất định. Nhưng đó chỉ mang tính tạm thời. Hoặc nếu dùng các thế lực hùng mạnh để hăm dọa trẻ dễ khiến trẻ sau đó nhụt chí, dễ tạo cho trẻ thói quen gặp những gì cường quyền là cúi đầu.

Về mặt nguyên tắc người lớn không nên nói dối trẻ. Trong những trường hợp trẻ còn non nớt quá mà cần phải có chút gì đó nói dối thì phải hiểu rằng lời nói dối đó đến một lúc nào đó phải giải tỏa trước mặt đứa trẻ. Thậm chí còn phải xin lỗi trẻ khi đã trưởng thành để khẳng định rằng mình không chủ tâm nói dối.