Chậm chạp với tăng trưởng xanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đến thời điểm này nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách hướng đến tăng trưởng xanh (TTX), đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Với chủ đề "Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 do Bộ KH&ĐT và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội nhấn mạnh: Quá trình tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế ở Việt Nam không thể không gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn, từ đó mở ra một cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để hiện thực hóa và đưa các chủ trương đó vào cuộc sống, Việt Nam đang phải đối mặt một số bài toán khó cần sớm có lời giải.

Rõ chủ trương, chậm hành động

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đến thời điểm này nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách hướng đến tăng trưởng xanh (TTX), đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra rất chậm. Điển hình các lĩnh vực xi măng, dệt sợi, sắt thép, hóa chất có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trong ngành công nghiệp và xây dựng đều có xu hướng giảm tỷ trọng trong GDP, nhưng tốc độ giảm trung bình mới đạt 2,46%/năm.
 
Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng.  Ảnh: Ngọc Tuấn
Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng. Ảnh: Ngọc Tuấn
Chính vì điều này nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng TTX ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, lớn nhất là nhận thức của xã hội về TTX chưa cao, vẫn chú trọng vào lợi ích trước mắt mà thiếu ưu tiên cho phát triển dài hạn. Trong cấu trúc DN chủ yếu là DN nhỏ và vừa, kém đổi mới công nghệ. Đặc biệt, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn chậm, khả năng phối hợp giữa các ban, ngành chưa hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi: Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vẫn hướng vào những ngành "nặng tính gia công" như may quần áo, khâu giày, lắp ráp điện thoại di động..., mà tại sao không chú trọng những lĩnh vực sử dụng công nghệ cao mang lại giá trị gia tắng lớn? Theo ông Thiên, tình trạng chuyển đổi chậm chạp này trước hết do tư duy về mô hình tăng trưởng tại Việt Nam không còn phù hợp với xu thế chung. Ta cần hướng tới cấu trúc tăng công nghệ cao và liên kết quốc tế. Thứ hai, Việt Nam chưa chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, nên hệ thống giá cả (giá đất, giá năng lượng, tiền lương…) chưa hợp lý dẫn đến phân bổ nguồn lực kém hiệu quả. Thứ ba, quản trị Nhà nước còn nặng cơ chế dàn trải "chia đều" nên dễ tạo tình trạng "xin - cho", thiếu công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Gắn chặt trách nhiệm cá nhân

Để gỡ những "nút thắt" làm chậm quá trình TCC theo hướng TTX, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có hành động cụ thể để "xoay chuyển tình thế". Trước hết, ngành công nghiệp phải tập trung vào đột phá thực sự cho những vùng, địa bàn ưu tiên. Thực tế ta mới chú trọng cơ chế ưu đãi (như thuế, dịch vụ...) theo hướng bớt vài phần trăm cho DN mà chưa chú ý tạo thể chế và cơ sở hạ tầng tốt nhất để hỗ trợ thiết thực hơn cho DN. PGS. TS Trần Đình Thiên chỉ rõ, trong khi tập trung nhiều cho công nghiệp, dịch vụ thì phát triển nông nghiệp lại chưa có sự gắn kết với việc sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao bởi để làm được điều này cần đẩy mạnh kết nối DN - nông dân. Tương tự với ngành du lịch, không thể chú trọng tăng lượng khách mà phải hướng tới du lịch đẳng cấp cao, tức là tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên... Tuy nhiên để làm được điều này theo PGS. TS Trần Đình Thiên, cần tăng cường trách nhiệm cá nhân. Đây là khâu mấu chốt để tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.   

 
Trong xu thế toàn cầu hóa với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt có ảnh hưởng tới mọi quốc gia, yêu cầu với mỗi nền kinh tế, mỗi DN là phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Do đó, lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế, trong đó điểm nhấn chính là sự gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Đặng Huy Đông