Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm di dời 13 trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội do nguồn lực

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bộ Xây dựng cho rằng, việc chậm di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội là do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4.

Trong đó, liên quan việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội, báo cáo cho biết, ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐTTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành và UBND TP Hà Nội đối với việc di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là một trong 4 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là một trong 4 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan T.Ư thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể T.Ư) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Bộ Xây dựng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về các phương án quy hoạch. Trong đó, đã xác định số lượng cơ quan cần di dời, địa điểm và phương án quy hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.

Phương án di dời gồm 2 nhóm: Nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới, 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ; nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan.

Quang cảnh một góc TP Hà Nội
Quang cảnh một góc TP Hà Nội

Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành T.Ư tại khu vực Tây Hồ Tây. Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về Đồ án Quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội; đến ngày 16/9/2022 đã nhận đủ văn bản góp ý trong đó đa số đồng thuận với các nội dung chính của Đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Đồ án đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung phù hợp và hiện đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án quy hoạch (phường Mễ Trì và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đề cập khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).

Ngoài ra các bộ, ngành và địa phương chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Về giải pháp, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các Bộ Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, bảo đảm phù hợp với mục tiêu của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị TP Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định việc sử dụng quỹ đất phù hợp, hiệu quả, tuân thủ định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng có liên quan; đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm các yêu cầu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy công trình kiến trúc có giá trị.

 

Theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 3/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong đó tập trung vào thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn...