Chạm đích và sau đó?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà quản lý TTVN chưa lo được cho các tuyển thủ nhiều điều có lợi. Trục trặc trong chuyến đi tập huấn và thi đấu lấy chuẩn A của kình ngư Quý Phước là một minh chứng cụ thể nhất. Chuyến tập huấn trước thềm Đại hội Olympic này thất bại hoàn toàn. Cuối cùng thì TTVN chỉ có thể trông đợi vào sự may rủi và sự thi đấu xuất thần của các VĐV.

3 tấm vé mới nhất do các đội tuyển cử tạ và rowing đem về cuối tuần qua đã nâng tổng số suất dự Olympic chính thức của thể thao Việt Nam ( TTV) lên con số 15. như vậy TTVN đã chạm đích chỉ tiêu dự Olympics 2012
 
Tại giải vô địch châu Á rowing diễn ra tại Chunggju, cặp VĐV nữ Phạm Thị Hải/ Phạm Thị Thảo (thuyền đôi hạng nhẹ) đã giành HC đồng thuyền đôi nữ hạng nhẹ với thành tích 7 phút 18 giây 72, đồng thời nhận vé dự Olympic. Đây là hai gương mặt chủ chốt của đội tuyển rowing Việt Nam. Tại SEA Games 26, cặp đội này đã đóng góp 2 HC vàng nội dung thuyền đôi và thuyền bốn nữ.
 
 
Chạm đích và sau đó? - Ảnh 1
 
                                  Cặp VĐV nữ Phạm Thị Hải/ Phạm Thị Thảo
 
Ở Pyeongtaek, đội tuyển cử tạ cũng đã kết thúc phần thi đấu và đạt được mục tiêu đề ra trước ngày lên đường: giành 2 vé Olympic (1 nam, 1 nữ). Ở giải nam, lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn đã sớm tự quyết định quyền tới London tranh tài sau khi giành HC bạc hạng 56kg. Ở giải nữ, đội tuyển Việt Nam đã kết thúc phần thi đấu với hạng 4 chung cuộc, lọt vào danh sách 6 đội đứng đầu được trao 1 vé Olympic. Tên nữ VĐV dự Olympic sẽ do Tổng cục TDTT lựa chọn và công bố sau.
 
3 tấm vé của cử tạ và rowing đã nâng con số VĐV Việt Nam giành quyền dự Olympic 2012 lên con số 15 và danh sách này có thể chưa dừng lại ở đây khi một số đội tuyển như điền kinh, bơi vẫn đang trong hành trình săn vé dự Olympic. Dù vậy, thể thao Việt Nam đang chạm tới thành tích chưa từng có trong lịch sử chuẩn bị tham dự Thế vận hội.
 
Thế vận hội là cái sân chơi mở của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khi tất cả các thành viên đều có quyền tham dự, nhưng cơ hội để có vòng nguyệt quế giành cho người chiến thắng ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh này lại chẳng hề nhiều. Như tại Olympic 2008 với con số kỷ lục mới về tổng số 204 đoàn tham dự nhưng tại Bắc Kinh, chỉ có 86 đoàn giành được huy chương.
 
Và như thế, để hy vọng có huy chương thành hiện thực, trước tiên TTVN đã đạt “điều kiện cần” là có được nhiều hơn các suất tham dự chính thức thông qua vòng loại, thay vì chỉ là những suất mời, hoặc đặc cách quen thuộc. Bởi chỉ có những suất đi bằng “cửa chính” mới có đủ khả năng tranh chấp huy chương. Tới thời điểm hiện tại, với việc đã có tới 15 tuyển thủ chắc chắn có mặt tại London mùa hè tới, TTVN không chỉ làm nên kỳ tích mới (tại Olympic 2008 chỉ có 8 VĐV giành suất tham dự chính thức), mà cơ hội tranh chấp huy chương về lý thuyết cũng trở nên lớn hơn nhiều.
 
Tính từ tấm huy chương bạc của nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 tới ngôi á quân của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008, “ điều kiện đủ” của “cửa” tranh chấp huy chương chỉ bó hẹp ở taekwondo và cử tạ, nhưng đến London vào cuối tháng 7 tới, theo tính toán của giới chuyên môn, “cửa” này còn được mở ra cả với judo, vật và thể dục dụng cụ. Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uy ban Olympic VN nhận định: “ Lần này phải xin thú thực là chúng tôi có quyền nói rằng không chỉ có 1 mà có tới 3 môn chúng ta có hy vọng sẽ đoạt huy chương. Ở môn teakwondo ai bảo chỉ có Huỳnh Châu mới có hy vọng, VĐV trẻ Diệu Linh cũng có khả năng chứ. Ở môn TDDC, Hà Thanh rất có triển vọng. VĐV này đã từng đứng thứ 3 thế giới rồi thì tại sao không đứng thứ 3 Olympic được. Tất nhiên, so sánh đó có sự khác nhau, cần sự nỗ lực rất nhiều. Ngoài ra, ở môn bắn súng Xuân Vinh cũng có khả năng tạo ra bất ngờ. Một phút nào đấy, xạ thủ này có thể làm nên lịch sử. Nói trước bước không qua nhưng chúng ta có quyền hy vọng.”
 
Cần sự nỗ lực nhiều, đúng là vậy. Phan Thị Hà Thanh với tấm HCĐ thế giới 2011 đương nhiên là sáng giá nhất, nhưng nên nhớ tấm huy chương đó của cô gái Hải Phòng có là nhờ màn thi đấu bùng nổ, thay vì sự ổn định ở mức cao. Đó là còn chưa kể đến quá trình chuẩn bị ngắn ngủi và đầy trục trặc của Hà Thanh trước thế vận hội đang ảnh hưởng rất nhiều tới phong độ thi đấu. Còn với Huỳnh Châu, Diệu Linh (taekwondo); Văn Ngọc Tú (judo), kể cả Nguyễn Thị Lụa (vật tự do nữ) khi ngoài việc phải đạt phong độ cao, còn phụ thuộc rất nhiều vào sự may rủi của lá thăm ở những môn mang tính đối kháng.
 
Nói ngắn gọn, chạm đích mục tiêu vé chính thức, cơ hội tranh chấp là nhiều hơn, nhưng điều quan trọng là cần phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để biến cái cơ hội ấy thành hiện thực thì các nhà quản lý TTVN lại chưa tạo được  cho các tuyển thủ nhiều điều có lợi. Trục trặc trong chuyến đi tập huấn và thi đấu lấy chuẩn A của kình ngư người Đà Nẵng Quý Phước là một minh chứng cụ thể nhất. "Tiền mất " mà đúng là “tật mang”. Chuyến tập huấn trước thềm Đại hội Olympic này thất bại hoàn toàn. Cuối cùng thì TTVN chỉ có thể trông đợi vào sự may rủi và sự thi đấu xuất thần của các VĐV.
 
Các suất chính thức dự Olympic 2012 của Việt Nam đến nay:

1.Phan Thị Hà Thanh (TDDC, nữ)

2. Phạm Phước Hưng (TDDC, nam)

3. Lê Huỳnh Châu (Teakwondo, nam)

4. Chu Hoàng Diệu Linh (Teakwondo, nữ)

5. Văn Ngọc Tú (Judo, nữ)

6. Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, nam)

7. Phạm Hoàng Ngọc (bắn súng, nam)

8. Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh, nữ)

9. Nguyễn Thị Lụa (vật, nữ)

10. Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC, nữ)

11. Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm, nam)

12. Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)

13. Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ, nam)

14. Cử tạ nữ (chờ xác định tên VĐV tham dự)

15. Phạm Thị Hải/ Phạm Thị Thảo (thuyền rowing đôi hạng nhẹ)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần