70 năm giải phóng Thủ đô

Chấm điểm tự động: minh bạch hoạt động sát hạch lái xe

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT đề xuất bổ sung nhiều quy định về công tác đào tạo lái xe. Đáng lưu ý, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thiết bị chấm điểm tự động với giấy phép lái xe (GPLX) các hạng: B1, BE, CE, D1E và DE.

Chấm điểm tự động

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung nhiều quy định về công tác đào tạo lái xe, nhằm phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đáng lưu ý, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thiết bị chấm điểm tự động với giấy phép lái xe (GPLX) các hạng: B1, BE, CE, D1E và DE. Bộ GTVT cho biết, quy chuẩn quốc gia về Trung tâm Đào tạo, sát hạch đã được áp dụng trên toàn quốc từ năm 2015.

Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thiết bị chấm điểm tự động với giấy phép lái xe (GPLX) các hạng: B1, BE, CE, D1E và DE.
Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thiết bị chấm điểm tự động với giấy phép lái xe (GPLX) các hạng: B1, BE, CE, D1E và DE.

Việc chấm điểm tự động, tạo tính công khai minh bạch trong quá trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, do điều kiện công nghệ chưa cho phép nên còn một số hạng GPLX chưa được lắp thiết bị chấm điểm tự động. Vì vậy, việc quy định có lộ trình bắt buộc lắp thiết bị chấm điểm tự động đối với một số hạng B1, BE, CE, D1E và DE để sát hạch trước ngày 1/7/2026 là cần thiết.

Theo Bộ GTVT, việc chấm điểm tự động góp phần công khai minh bạch kết quả sát hạch, đảm bảo nguyên tắc thống nhất của toàn bộ quy trình sát hạch lái xe. Đồng thời, triển khai thiết bị chấm điểm tự động sẽ đáp ứng yêu cầu chia sẻ và tích hợp với các cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT khác, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Từ những căn cứ trên, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành. Phương án 2 là quy định cụ thể về chấm điểm tự động đối với các hạng B1, BE, CE, D1E và DE

Đánh giá về tác động của hai phương án, Bộ GTVT cho biết, nếu giữ nguyên như quy định hiện hành (phương án 1), không làm thay đổi chi phí đầu tư của nhà nước và xã hội, không phát sinh chi phí nhưng sẽ không đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử. Trong khi đó, nếu bổ sung quy định chấm điểm tự động đối với các hạng B1, BE, CE, D1E và DE (phương án 2) sẽ phát sinh chi phí đầu tư của doanh nghiệp nhưng tăng tính hiệu quả, công khai minh bạch trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Về xã hội, quy định này sẽ giúp hoạt động sát hạch lái xe đảm bảo được thống nhất trong phạm vi toàn quốc, toàn bộ GPLX các hạng đều được chấm điểm tự động. Đặc biệt, quy định sẽ đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. So sánh tác động của từng giải pháp cho thấy lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 2 là bổ sung quy định chấm điểm tự động đối với các hạng B1, BE, CE, D1E và DE.

Cũng tại dự thảo, Bộ GTVT cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về GPLX để điều khiển xe ô tô tải, ô tô tải khi kéo rơ moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi gồm: hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên; hạng D cấp cho người lái xe ôtô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi.

Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Giao thông đường bộ cũng quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX các hạng C và hạng D. Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã phân lại hạng bằng lái xe. Từ đây, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về sát hạch lái xe các hạng C1, D1 để đảm bảo việc tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Song song đó, đảm bảo tính thống nhất và khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

8 hành vi bị nghiêm cấm

Thực tế, thời gian qua đã xảy ra tình trạng này tại một số cơ sở đăng kiểm. Cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện, khởi tố và đưa ra xét xử trong vụ đại án đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng nhiều lần có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm trên cả nước quán triệt không vi phạm các hành vi liên quan đến hoạt động kiểm định đăng kiểm như: can thiệp làm sai lệch kết quả kiểm định, bố trí người sai vị trí trên dây chuyền kiểm định, có những quy định không đúng gây phiền hà, sách nhiễu cho chủ xe, doanh nghiệp. Đặc biệt, nghiêm cấm hành vi tiêu cực, trục lợi trong đăng kiểm xe cơ giới.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc bổ sung một điều riêng quy định những hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới tại dự thảo Thông tư này là cần thiết, nhằm nhấn mạnh, nâng cao trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, đăng kiểm viên trong việc thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. Quy định cũng nhằm cụ thể hóa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo thực hiện đúng quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ GTVT cũng lấy ý kiến về 8 hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới. Các hành vi này gồm: Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định; làm sai lệch kết quả kiểm định. Kiểm định khi thiết bị kiểm tra bị hư hỏng; kiểm định khi thiết bị kiểm tra chưa được kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn; Kiểm định khi không đảm bảo việc nối mạng để truyền dữ liệu, kết quả kiểm định; Kiểm định khi hệ thống camera giám sát và lưu trữ hình ảnh dạng video không đảm bảo quy định; Bố trí người thực hiện công việc kiểm định trên dây chuyền kiểm định không đủ, không đúng với quy định; Yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định; Thu tiền kiểm định, phí và lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu; Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; Lập Hồ sơ phương tiện, kiểm định, sử dụng ấn chỉ kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.