Chậm đưa vào thực tiễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp, thủy sản đã được triển khai 10 năm nay với kinh phí trên 550 tỷ đồng, nhưng chủ yếu chỉ dừng ở... phòng thí nghiệm.

Đây là một thực trạng đáng buồn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Dàn trải, yếu kém

Từ năm 2006, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ NN&PTNT chủ trì triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2006 - 2014, Chương trình CNSH đã triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí được cấp trên 550 tỷ đồng. Đến năm 2015, Chương trình mới triển khai được 25 dự án sản xuất thử nghiệm về giống cây trồng mới được công nhận sản xuất thử, phân bón, chế phẩm sinh học... Sản phẩm ứng dụng thực tiễn của chương trình chủ yếu mới tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, các cây giống nuôi cấy mô.
Tham quan mô hình trồng nấm linh chi mới được chuyển giao tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất.	 Ảnh: Thiên Tú
Tham quan mô hình trồng nấm linh chi mới được chuyển giao tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thiên Tú
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) thẳng thắn nhìn nhận, số đề tài ứng dụng công nghệ gen còn ít và hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực mà các đề tài dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách cần có công nghệ cao, CNSH. Trong đó, các cây trồng quan trọng như ngô, đậu tương, lĩnh vực chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và ATTP còn ít đề tài, dự án.

Riêng về lĩnh vực thủy sản, một trong những ngành mũi nhọn mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nông nghiệp, việc ứng dụng CNSH còn rất nhiều yếu kém. TS Đặng Thị Lụa - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 chia sẻ, ứng dụng CNSH vào trong nghiên cứu chẩn đoán bệnh động vật thủy sản, sàng lọc con giống ở Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với sự phát triển trên thế giới. Nguyên nhân do thiếu, yếu cả về nguồn nhân lực và điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Điều đáng nói, các nghiên cứu chủ yếu mang tính kế thừa, rất hiếm nghiên cứu phát triển. Các sản phẩm vaccine tạo ra phần lớn mới ở dạng nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô công nghiệp, đại trà.

Cần thay đổi cơ chế

Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu của các thị trường về năng suất, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm nông lâm thủy sản ngày càng cao. Điều này đòi hỏi việc ứng dụng CNSH vào sản xuất càng trở nên bức thiết và rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn. Muốn làm được điều này, tại hội nghị phát triển nghiên cứu ứng dụng CNSH trong nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua, các DN đều bày tỏ mong muốn có sự tháo gỡ từ chính cơ chế chính sách. Ông Nguyễn Hữu Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược và Vật tư thú y (Hanvet) đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nay chủ yếu do công ty tự đào tạo. Đồng thời tăng cường gắn kết giữa nhà khoa học, DN và nông dân, bởi theo ông Nguyễn Hữu Vũ, sự liên kết giữa các viện nghiên cứu và DN còn lỏng lẻo.

Theo nhiều chuyên gia, việc chuyển từ giai đoạn từ thuần túy ứng dụng công nghệ sang làm chủ và tự sáng tạo ra công nghệ đòi hỏi phải có cơ chế về tài chính linh hoạt hơn. Ứng dụng CNSH không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu, do đó cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới. Nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng một số DN tiên phong mạnh nhất, để tạo đột phá với thị trường thế giới. "Tại sao chúng ta đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu tôm lại không thể đầu tư bài bản để thực sự biến ngành đó thành mũi nhọn?" - Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn Tôm Việt - Úc Đặng Quốc Tuấn đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, nông nghiệp Việt Nam phải chuyển hẳn sang một nền nông nghiệp sản xuất cạnh tranh quốc tế. Muốn vậy, trước hết trình độ công nghệ hàm chứa trong nông sản phải được nâng lên ngang bằng với các nước tiên tiến. Trong đó, CNSH được kỳ vọng là mũi nhọn. Để làm được điều này, cần thay đổi tư duy về phát triển ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, theo hướng toàn diện, tổng thể và đồng bộ. Ngoài ra, phát triển CNSH trong nông nghiệp trong giai đoạn mới phải có cơ chế rộng mở để xã hội quan tâm, các DN được tham gia nghiên cứu.