Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Nhiều địa phương tích cực vào cuộc
Thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã triển khai những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022.
Hiện nay, quận Thanh Xuân có 1 phòng khám điều trị thuốc kháng virus (ARV) với 350 bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị. Có 1 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và 1 phòng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hiện đang điều trị cho 181 khách hàng.
Thời gian qua, quận Thanh Xuân đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông trực tiếp (truyền thông tại cộng đồng) và gián tiếp thông qua các ấn phẩm truyền thông, qua mạng xã hội. Phối hợp với các nhóm tiếp cận cộng đồng triển khai nhiều hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như: tư vấn xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng HIV/AIDS bằng các phương tiện an toàn như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị bằng ARV. Và gần đây là dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus (Prep).
Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhằm kết thúc đại dịch AIDS thời gian tới đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, ngành và đoàn thể trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên. Xây dựng và triển khai chương trình hành động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS phù hợp trong các cơ quan, đơn vị, trường học… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia và trách nhiệm của mỗi gia đình, cộng đồng, mỗi người dân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tại huyện Đông Anh, bác sĩ Dương Quý Đông - Giám đốc TTYT huyện cho biết, để thực hiện mục tiêu 95-95-95, huyện Đông Anh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông trực tiếp (truyền thông tại cộng đồng...) và gián tiếp thông qua các ấn phẩm truyền thông, qua mạng xã hội (facebook, zalo...). Phối hợp với các nhóm tiếp cận cộng đồng triển khai hoạt động tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ những nhóm nguy cơ cao tiếp cận được với các dịch vụ. Huyện cũng đã triển khai đồng bộ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như: Tư vấn xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng HIV/AIDS bằng các phương tiện an toàn như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị bằng ARV.
Huyện Đông Anh hiện có 1 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, 1 phòng khám điều trị ARV với 553 bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân khống chế được tải lượng virus đạt 97% (mục tiêu 95%), tỷ lệ bệnh nhân phát hiện nhiễm HIV được kết nối điều trị 98% (mục tiêu 95%).
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào năm 1991, đến nay Hà Nội đã có trên 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, với nhiều nỗ lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu lớn như đã có một hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS chặt chẽ từ TP đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn với sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Việc cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS liên tục được cập nhật, đổi mới, áp dụng sáng kiến, thành tựu khoa học và khuyến cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế giúp mở rộng về độ bao phủ cũng như tăng cường về chất lượng dịch vụ, bao gồm: chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại TP đã được triển khai đồng bộ, tập trung vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đơn cử như chương trình cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm đã bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã. Trên 80% người có nguy cơ cao nhiễm HIV đã tiếp cận với chương trình. Điều trị Methadone được triển khai năm 2009 với một cơ sở điều trị tại Nam Từ Liêm, đến năm 2022 đã có 21 cơ sở trên toàn TP, điều trị cho 4.954 bệnh nhân.
Đặc biệt, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep) là một đột phá mới trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai từ năm 2018, đến nay đã có 8.182 người đang điều trị. Công tác xét nghiệm ngày càng được cải tiến về kỹ thuật và mở rộng quy mô, hiện nay có 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, 11 cơ sở xét nghiệm khảng định HIV. Kỹ thuật xét nghiệm phát hiện nhiễm mới đã được triển khai 2 năm gần đây.
Ngoài xét nghiệm truyền thống (khách hàng tự đến các phòng tư vấn xét nghiệm) thì nay đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm, tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội. Những năm gần đây, Hà Nội mỗi năm xét nghiệm cho khoảng 3.000-4.000 lượt khách hàng nhằm phát hiện sớm người nhiễm HIV để đưa vào điều trị góp phần nâng cao chất lượng chương trình.
Cùng với đó, Chương trình điều trị ARV được triển khai từ năm 2000 tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho 50 bệnh nhân, đến nay toàn TP đã có 23 cơ sở điều trị ARV cho 13.277 bệnh nhân. Đặc biệt có 98,7% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, họ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường và không lây nhiễm cho người khác qua quan hệ tình dục, giảm đáng kể tình trạng mẹ truyền HIV sang con. Số nhiễm mới và tử vong giảm đáng kể.
Theo TS Lã Thị Lan, hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Đến tháng 10/1022, Hà Nội còn 19.926 người nhiễm HIV, là địa phương có số người nhiễm thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh. Điều đáng lo ngại là xu hướng lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục không an toàn và ngày càng trẻ hoá. Nhiễm HIV lứa tuổi 15-24 tuổi tăng nhanh từ 8,1% năm 2016 lên 32,2% trong 10 tháng đầu năm 2022, chủ yếu lây qua quan hệ tình dục với 60,8%.
Trong khi kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên còn hạn chế. Theo số liệu điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ từ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ từ 15-24 tuổi là 36,6%, còn ở nam là 39, 7%.
Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 29,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam. Như vậy nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người Việt Nam ở độ tuổi từ 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nhóm tuổi 15-24 tuổi có nhiều hơn 1 bạn tình. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như, giang mai.
10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%).
Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%). Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trên tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hằng năm trong thời gian tới.
HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Việc sử dụng và lệ thuốc vào ma túy tổng hợp đang gia tăng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện chưa có hướng dẫn nội dung cũng như định mức chi mà do từng địa phương tự xây dựng và phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền nên khó khăn. Quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn khó khăn…
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS