Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh:

Chấm dứt “nợ đọng” văn bản, sớm đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2023 theo hình thức trực tuyến. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, TP. Chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Kịp thời phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật

Thực hiện phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, năm 2022, ngành Tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Các cơ quan tư pháp, pháp chế và hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành, tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành. Thực hiện phương châm “hướng về cơ sở”, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật. Toàn ngành Tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hoá những định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy; tích cực tham gia xây dựng các văn bản của Đảng về phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và chỉ đạo Hội nghị
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và chỉ đạo Hội nghị

Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 521 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo và trên 2.800 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định.

Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện rà soát chuyên sâu, phát hiện và kiến nghị xử lý những quy định còn sơ hở, bất cập, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.

Thu hồi 16.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Công tác tổ chức thi hành pháp luật được triển khai ngày càng bài bản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn. Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 đề án quan trọng, có tính đột phá về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn
Chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn

Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện,kịp thời giải quyết một số tồn tại, vướng mắc về uỷ thác, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021. Số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được tăng cường, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đến nay đã có hơn 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 cơ sở dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được chú trọng xây dựng; việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp được toàn ngành thực hiện cơ bản kịp thời, đáp ứng yêu cầu của người dân. Công tác bồi thường nhà nước được triển khai ngày càng bài bản; việc hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc giải quyết bồi thường nhà nước được thực hiện thường xuyên.

Quang cảnh điểm cầu tại UBND TP Hà Nội 
Quang cảnh điểm cầu tại UBND TP Hà Nội 

Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, nhất là lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản. Bộ đã chỉ đạo Hiệp hội công chứng viên Việt Nam tổ chức thành công Đại hội công chứng viên toàn quốc lần thứ II.

Các đại biểu cũng được nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trình bày chuyên đề về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và giải pháp thực hiện. Đồng thời, các đại biểu trao đổi, thảo luận về các kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác tư pháp, thi hành án dân sự…

Nâng cao chất lượng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2022 của Bộ, ngành Tư pháp, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời rà soát những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung; kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THA hành chính được Quốc hội giao. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế.

“Với truyền thống vẻ vang, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, chủ động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn trongcông cuộc xây dựng, phát triển đất nước” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tin tưởng.