Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan của địa phương phối hợp với Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam vận động các hộ đang nuôi gấu tại TP Hạ Long và toàn tỉnh chuyển giao toàn bộ cá thể gấu trên địa bàn về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng. Đồng thời tiếp tục giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu (nếu có).
Ảnh minh họa.
|
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện nay, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đã tiếp nhận 109 cá thể gấu và năng lực của Trung tâm này có thể tiếp nhận từ 50 - 70 cá thể nữa. Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, Vụ đã đề nghị xử lý nghiêm những chủ trang trại để tình trạng bỏ đói, bỏ khát dẫn đến chết một số cá thể trong thời gian vừa qua. Đồng thời yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ số lượng gấu đang nuôi nhốt ở các trang trại đảm bảo không để tình trạng gấu bị chết.
Còn theo Cơ quan Cites, hiện nay trên toàn quốc còn trên 100 cá thể gấu ngoài tự nhiên, chủ yếu tập trung phân bố ở một số khu rừng đặc dụng và khoảng 1.800 cá thể gấu nuôi nhốt ở các hộ gia đình, cá nhân, các vườn thú tư nhân, vườn thú của Nhà nước và các trung tâm cứu hộ. Theo quy định của Việt Nam, các cá nhân, tổ chức nuôi và chăm sóc động vật phải đảm bảo một số điều kiện nhất định về vệ sinh môi trường, an toàn, chăm sóc. Trong trường hợp các chủ nuôi gấu không đảm bảo các điều kiện nuôi nhốt ấy thì có thể tịch thu.