Đại biểu Quốc hội:

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đại biểu (ĐB) Quốc hội cho biết, đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý, có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

Sáng 1/6, tại Kỳ họp thứ 3, các ĐB Quốc hội đã thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm 2022.

Có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

Trong phát biểu của mình tại nghị trường, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Bình Phước) đề cập đến vấn đề đầu tư công. Theo đó, thời gian qua, đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Bình Phước) đề xuất có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Bình Phước) đề xuất có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Trần Tuấn Anh, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công. Khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án; công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn và việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực.

Nhấn mạnh hiện nay có nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu quen biết, đại biểu Trần Tuấn Anh đề nghị, phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu để xử lý dứt điểm tình trạng này. Đồng thời kiến nghị, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu, rút ngắn thời gian, lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án.

Đối với quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội cần xem xét, sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2002 của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Đại biểu Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế chính sách. Hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, xong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm.

ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) nhận định, giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội.Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) nhận định, giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội.Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng nhận định, tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022 chỉ ở mức 5,4%. Điều đó cho thấy dù kinh tế đã có sự phục hồi, song còn nhiều khó khăn, nhất là các hoạt động kinh tế trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Do đó cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tăng thu bền vững.

ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) đề cập đến vấn đề Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm.

ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) cho rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) cho rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Ảnh: Quochoi.vn

Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch Covid-19 chưa được thực hiện hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa, đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác giải ngân và triển khai các chính sách đã được Quốc hội quyết định. Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Đại biểu cho rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Cần phải theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.

“Bên cạnh đó, rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Đồng thời, để không xảy ra những quả bom về trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn” - ĐB Trịnh Xuân An nhấn mạnh.