Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã triển khai tới các cấp công đoàn cơ sở xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN). Qua đó nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho các Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho các Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu.
Theo đó đã giải quyết 155 vụ tranh chấp lao động, tư vấn cho 32.400 người và cung ứng việc làm cho 8.900 người, mở 33 lớp đào tạo ngoại ngữ tạo nguồn xuất khẩu lao động cho 750 học viên, liên kết đào tạo 50 lớp với 1.964 học viên, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho trên 130.000 công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN). Hiện nay, trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, các KCN phát triển mạnh, nhiều DN được hình thành với số lượng đội ngũ CNLĐ đông đảo. Do vậy, vấn đề chăm lo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, LĐLĐ TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với UBND TP triển khai chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng quy chế và thường xuyên tổ chức đối thoại với CNLĐ tại các KCN. Ông Kiều Hùng - Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP) cho rằng: Thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại với CNLĐ tại nơi làm việc là một lĩnh vực bảo đảm quyền làm chủ của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động được quyền tự do đóng góp ý kiến cho các hoạt động của DN, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của TP, đây là một việc hết sức ý nghĩa. Mặc dù, mới triển khai được hơn 2 năm, Hà Nội đã tích cực triển khai, các DN đón nhận và thực hiện hết sức chủ động. Hiện, LĐLĐ TP đang tiếp tục phát huy để có những điểm sáng tạo nhằm mang lại hiệu quả cho DN và cũng đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tuy vậy, trên thực tế, vai trò của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong các DN hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Do phần lớn CNLĐ làm việc trong các KCN, khu chế xuất đều phải thuê nhà ở, giá thuê cao so với thu nhập của người lao động, điều kiện sinh hoạt có nhiều bất tiện, đời sống văn hóa tinh thần khó khăn, rất ít địa điểm sinh hoạt văn hóa, ít có điều kiện đọc sách báo, tập luyện thể thao… Còn nhiều DN chưa thành lập tổ chức công đoàn, một số Công đoàn cơ sở thiếu trách nhiệm, chưa chủ động phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết những khó khăn, bức xúc của người lao động. Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định, công đoàn có vị trí lớn về chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng. Do vậy, sự giác ngộ chính trị của giai cấp CNLĐ và tính chất giai cấp công nhân công nghiệp phải được nâng cao. Công đoàn thay mặt cho giai cấp công nhân tham gia quản lý không chỉ ở việc ra các chính sách ở T.Ư  mà phải vững vàng ngay từ tất cả các loại hình cơ sở, biết hết những điều bất hợp lý, bất hợp pháp để góp phần xây dựng chính sách đúng và bảo vệ chính đáng quyền lợi cho CNLĐ.

Trước những yêu cầu mới của nền kinh tế - xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, đòi hỏi công đoàn các cấp TP và T.Ư phải tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt, trong vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mới có thể đảm bảo được những yêu cầu đặt ra. Ông Phạm Lợi - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng: Cần hết sức chú trọng làm đúng chức năng, tuyền truyền, giáo dục nâng cao ý thức giai cấp công nhân, người lao động. Làm tốt vận động các phong trào thi đua yêu nước của công nhân, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Không xem nhẹ việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.