Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP, nhiệm kỳ qua, hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích họp pháp, chính đáng của CNLĐ.
Nổi bật là hoạt động xã hội từ thiện, đã có 2.468 lượt CNVCLĐ được Thành phố và Công đoàn trợ cấp với số tiền hơn 1.420 triệu đồng, 15 CNLĐ được hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Nhiều hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ: Tổ chức khám, tư vấn và tuyền thông sức khỏe miễn phí cho hàng ngàn CNLĐ; hướng dẫn thi hành Luật cho gần 16.000 lượt CNLĐ, NSDLĐ. Có 256 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho 52.368 CNLĐ, 206 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 86.168 lượt CNLĐ…
Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, hiệu quả hoạt động công đoàn chưa đồng đều; hoạt động công đoàn khối doanh nghiệp nhìn chung vẫn phụ thuộc vào điều kiện khách quan thuận lợi và thiện chí của doanh nghiệp, của NSDLĐ; việc CĐCS tham gia quản lý, giám sát các hoạt động SXKD, thực hiện chế độ chính sách liên quan đến CNLĐ có lúc chưa kịp thời; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tổ chức được Hội nghị NLĐ. Trình độ và năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn chưa đồng đều, vẫn còn một số thiếu chủ động; điều kiện, phương tiện và thời gian hoạt động gặp nhiều khó khăn nên chưa phát huy hết trách nhiệm của người cán bộ công đoàn ở cơ sở.
Nguyên nhân là do lãnh đạo tại một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của tổ chức công đoàn vì vậy chưa tạo điều kiện để thành lập CĐCS, một số doanh nghiệp chưa quan tâm và tạo điều kiện đúng mức về thời gian, kinh phí để tổ chức công đoàn hoạt động. 100% đội ngũ cán bộ CĐCS hoạt động kiêm nhiệm, lại thường xuyên biên động, hưởng lương của chủ doanh nghiệp nên còn tập trung vào công tác chuyên môn chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động công đoàn.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, để hoạt động công đoàn hiệu quả hơn, thời gian tới các cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động của TP tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng tích cực thông qua các kênh khác nhau. Đồng thời lưu ý các đơn vị liên quan cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, các thiết chế văn hóa; quan tâm công tác đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động; tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động. “Đề nghị cán bộ công đoàn các cấp của TP cần gần gũi, sâu sát đoàn viên và người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tham mưu đề xuất giải quyết những vấn đề công nhân, viên chức, người lao động quan tâm, bức xúc; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động”, đồng chí nhấn mạnh.