95 năm ngày thành lập đảng

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội:

Chăm lo sức khỏe người có công và thân nhân liệt sĩ khi trời rét đậm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong những ngày trời rét đậm, rét hại, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội thực hiện buông mành rèm, trong các phòng có chăn, đệm, máy sưởi; chế biến nhiều món ăn nóng để đảm bảo sức khỏe người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

Giữ ấm cho các đối tượng trong những ngày giá rét

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (địa chỉ: xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hiện đang nuôi dưỡng 38 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và thân nhân liệt sĩ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số 38 người có công và thân nhân liệt sĩ đang được chăm sóc tại Trung tâm, nhiều 16 đối tượng sức khỏe yếu phải phục vụ toàn phần, còn lại chủ yếu là người cao tuổi và con liệt sĩ bị rối nhiễu tâm trí, thiểu năng trí tuệ, câm điếc.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công buông mành bên ngoài các phòng để ngăn gió lùa vào bên trong. Ảnh: Trần Oanh.
Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công buông mành bên ngoài các phòng để ngăn gió lùa vào bên trong. Ảnh: Trần Oanh.

Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội Vũ Văn Trung cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội về chăm lo đời sống cho các đối tượng, trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ xuống thấp, để đảm bảo sức khỏe cho người có công và thân nhân liệt sĩ, chúng tôi buông mành rèm bên ngoài hiên nhà. Trong phòng ở của các đối tượng có chăn ấm, đệm êm và máy sưởi, khu vực vệ sinh cũng có bố trí đèn sưởi ấm.

Đặc biệt, lãnh đạo Trung tâm quán triệt với các cụ, các bác không ra ngoài sân, ở trong phòng để giữ ấm cơ thể. Đơn vị cũng tổ chức cho các đối tượng ăn sáng muộn hơn, ăn tối sớm hơn với các món nóng sốt. Các cụ 95, 96, 97, 100 tuổi và những đối tượng sức khỏe yếu thì nhân viên phòng y tế, điều dưỡng sẽ mang đồ ăn đến tận phòng và đút cho ăn”.

Ngoài ra, hàng ngày, cán bộ phòng y tế đến tận phòng thăm khám, đo nhịp tim, huyết áp; xoa bóp, bấm huyệt... khi các cụ đau mỏi; phục vụ toàn phần cho những trường hợp nằm bất động (thay bỉm, tắm gội; đút cơm...).

Nhân viên y tế đo huyết áp cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.
Nhân viên y tế đo huyết áp cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Để phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội thực hiện giữ vệ sinh hàng ngày ở trong phòng, ngoài sân và các khu vực khác luôn sạch sẽ. Đơn vị phân loại rác thải, không để nước đọng nhằm ngăn ngừa ruồi, muỗi khuẩn sinh sôi nảy nở. “Mỗi năm, Trung tâm tổ chức phun thuốc phòng chống dịch tối thiểu 3 lần. Thứ Hai ngày 10/2, chúng tôi sẽ phun thuốc phòng chống dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các đối tượng tại Trung tâm” – Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội Vũ Văn Trung cho hay.

Chăm lo sức khỏe cho từng người

Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cho thấy, ngoài hiên các phòng ở của người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được treo những tấm mành màu trắng – xanh để ngăn cản gió lạnh lùa vào phòng. Trung tâm bố trí, sắp xếp từ 1 – 2 người/phòng để thuận tiện cho việc phục vụ và chăm sóc sức khỏe. Các phòng được trang cấp tiện nghi sinh hoạt cá nhân đầy đủ; trong đó có chăn bông, đệm dầy, máy sưởi, đèn sưởi ở nhà vệ sinh.

Trong các phòng của người có công và thân nhân liệt sĩ có đệm, chăm, đèn sưởi để mọi người giữ ấm cơ thể. Ảnh: Trần Oanh.
Trong các phòng của người có công và thân nhân liệt sĩ có đệm, chăm, đèn sưởi để mọi người giữ ấm cơ thể. Ảnh: Trần Oanh.

Chúng tôi vào thăm phòng có bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1946, con liệt sĩ, đến từ phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) và bà Vũ Thị Dần (sinh năm 1937, vợ liệt sĩ đến từ phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngồi trong căn phòng ấm áp, bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Tôi thường thức dậy lúc 5 giờ sáng nhưng những ngày trời lạnh giá thế này thì chỉ ở trong phòng, vận động nhẹ nhàng. Khi nào trời hửng nắng, ấm lên thì mới đi ra ngoài sân. Ở đây, chúng tôi được Trung tâm trang cấp đệm dày, chăn ấm, máy sưởi ở trong phòng và trong nhà vệ sinh. Các bữa ăn có nhiều món đa dạng phù hợp từng người, đồ ăn nóng sốt nên chúng tôi cảm thấy ngon miệng. Hôm trước, chúng tôi được Hội Chữ thập đỏ quận Hoàn Kiếm tặng cho mỗi người một chiếc áo khoác, mặc vừa người, rất ấm”.

Phòng vệ sinh được lắp đặt đèn sưởi để các đối tượng không bị lạnh khi đi tắm. 
Phòng vệ sinh được lắp đặt đèn sưởi để các đối tượng không bị lạnh khi đi tắm. 

Để chăm lo sức khỏe cho các cụ người có công và thân nhân liệt sĩ, lãnh đạo Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội yêu cầu nhân viên y tế hàng ngày đi đến từng phòng đối tượng kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp. Đối với những cụ bị bệnh mãn tính như đái tháo đường, mỡ máu cao, cao huyết áp... thì nhân viên theo dõi và quản lý việc uống thuốc hàng ngày. Chị Mai Thị Huyền là nhân viên Phòng Y tế thông tin thêm: “Trong những ngày thời tiết lạnh giá, ngoài việc thăm khám sức khỏe, chúng tôi còn kiểm tra và cung cấp thêm chăn, bít tất, găng tay, khăn, mũ để các cụ được ấm áp. Trung tâm khuyến khích các cụ vận động nhẹ nhàng trong phòng để tránh bị cứng xương khớp...”.

Hàng ngày, anh Nguyễn Văn Hà là nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công đút từng thìa cơm cho cụ Nguyễn Thị Thơm (100 tuổi) ăn để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Trần Oanh.
Hàng ngày, anh Nguyễn Văn Hà là nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công đút từng thìa cơm cho cụ Nguyễn Thị Thơm (100 tuổi) ăn để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Trần Oanh.

Là người trực tiếp thực hiện chế biến các món ăn cho người có công và thân nhân liệt sĩ, chị Nguyễn Thị Thơ Mây là quản lý bếp nuôi dưỡng cho hay: Việc chuẩn bị thực đơn cho các cụ cao tuổi được thực hiện rất chu đáo, ưu tiên những món mềm, đủ dinh dưỡng trong những ngày giá lạnh. Các món ăn được nấu gần giờ ăn để các cụ được ăn nóng và dễ ăn. Chúng tôi thường chế biến các món kho, món hầm, món xào. Với những đối tượng cao tuổi (90 – 100 tuổi), nhân viên sẽ cắt nhỏ các món ăn và mang đến phòng đút cho ăn.

Người có công và thân nhân liệt sĩ được chăm sóc, hỗ trợ di chuyển. 
Người có công và thân nhân liệt sĩ được chăm sóc, hỗ trợ di chuyển. 

Trong những ngày tới khi trời vẫn còn giá lạnh, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống rét để chăm lo cho các đối tượng. Qua đó để bảo vệ sức khỏe cho người có công và thân nhân liệt sĩ có cuộc sống an toàn, thoải mái, ấm áp và mang đến niềm vui cho mọi người.