Ở nước ta, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, khí hậu thường rất hanh khô và lạnh, các chất nhầy trong mũi bé càng dày lên và khó di chuyển. Chất nhầy chính là “tuyến phòng thủ” đầu tiên giúp bé chống lại sự xâm nhập của vi trùng vào mũi. Do đó, để đường thở của bé được thông thoáng, nên nhỏ vài giọt dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ hàng ngày (1 – 2 lần/ ngày). Nếu trẻ bị nghẹt mũi hay chảy nhiều nước mũi, có thể nhỏ 3 – 4 lần/ ngày và hút mũi. Mũi sạch sẽ, thông thoáng sẽ giúp bé bảo vệ cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh khi mùa lạnh về.
Nhiễm trùng tai thường đi kèm với các nhiễm trùng do virus, vi khuẩn thông thường. Vì thế phải để ý khi bị sổ mũi, ho có bị sốt hay đau tai không. Cha mẹ có thể phát hiện một phần qua dấu hiệu trẻ hay quấy khóc ban đêm, nước mũi của bé đặc quánh hơn bình thường, không muốn ăn hay tai chảy nước. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên cho bé đi khám ngay để phòng ngừa, nếu mắc bệnh còn kịp thời chữa trị.
Trung bình trẻ dưới 5 tuổi thường bị bệnh khoảng 10 lần/ năm và đa số rơi vào mùa lạnh, không thể không kể đến việc giữ vệ sinh cho bé thật tốt.
- Thường xuyên rửa tay cho con bằng xà phòng sau khi nghịch, chơi đồ chơi, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Giữ cho trẻ trong môi trường trong lành, không thuốc lá, không khói bụi. Đặc biệt là môi trường ngủ của bé, nếu cho bé ngủ điều hòa hay dùng quạt sưởi thì nên đặt thêm máy làm ẩm không khí hoặc hơi nước ấm dạng sương, giúp bé hít thở không khí trong sạch hơn khi ngủ.
- Giữ ẩm cho bé trong mùa lạnh là việc không thể thiếu.
- Điều chỉnh ánh sáng phù hợp cho bé, một chút ánh sáng và không khí trong lành sẽ có lợi cho sức khỏe của bé.
Mỗi khi thay đổi thời tiết, da thường dễ bị nứt nẻ, khô ráp và dễ bong tróc. Vì vậy, chăm sóc trẻ mùa lạnh không thể coi thường việc chăm sóc da cho trẻ.
- Mùa đông lạnh nên tắm cho trẻ từng phần, trong phòng ấm và kín gió.
- Nước tắm cho bé phải là nước ấm vừa phải, đảm bảo không quá nóng, không quá lạnh. Quan trọng nhất phải tắm cho bé nhanh, dù là nước ấm cũng không thể ngâm bé quá lâu trong nước.
- Không nên lạm dụng các loại xà phòng tắm cho bé. Mùa lạnh, nên dùng một chút muối tinh và chanh tương vắt vào nước ấm để giữ nhiệt, giúp bé tránh cảm lạnh hay sốt.
- Nên lau nhẹ nhàng cho bé bằng khăn bông mềm sau khi tắm, không chà xát, kỳ cọ mạnh lên vùng da bị khô nẻ, nhất là nơi đã bị hăm, nứt.
- Cắt mòng tay thường xuyên cho bé để ngăn ngừa kích ứng từ việc gãi, xước…
Dù có cố gắng giữ cho vi trùng không chạm vào cơ thể bé, bằng cách nào đó chúng vẫn tìm được cách xâm nhập. Vì thế, “chiến tuyến” tiếp theo chính là tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ tốt hơn để chống lại các vi trùng. Tiêm chủng là điều mà các phụ huynh cần làm nhất cho sức khỏe của con em mình. Cho con bú sữa mẹ đến chừng nào có thể, vì trẻ bú sữa mẹ ít bị nhiễm trùng tai và đường hô hấp trên, giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng.
Dinh dưỡng cần cho bé
- Phải cho trẻ ăn đủ năng lượng, ăn đủ bữa (5 – 8 bữa/ ngày tùy tuổi) và đủ các chất dinh dưỡng (đa dạng thực phẩm, thay đổi món thường xuyên, không kiêng cữ, ăn cả xác chứ không chỉ uống nước hầm xương, nước luộc…)
- Ngoài các chất đạm như thịt, cá, trứng, đậu hũ… chất xơ như rau xanh và trái cây tươi cần tăng cường các loại chất béo như mỡ, dầu mè, dầu đậu nành. Có thể thêm một muỗng mỡ hoặc dầu thực vật vào thức ăn đang nấu của trẻ; hay thay vì luộc, nấu thức ăn, nên chế biến với dầu, mỡ.
- Nên cho trẻ ăn lúc thức ăn còn nóng. Lúc này, thức ăn còn giữ nhiều chất dinh dưỡng, tăng nhiệt lượng cho cơ thể, an toàn về vấn đề vệ sinh thực phẩm.
- Bên cạnh đó, thực phẩm để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là cá hồi chứa nhiều Omega-3, rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C như đu đủ, súp lơ, dâu tây hay sữa chua. Mùa đông nên tăng cường cho trẻ ăn sữa chua trộn với trái cây đánh nhuyễn và ăn thêm rau.