Chăm sóc tại nhà đối với phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh mắc Covid-19

BS Lê Huy Tuấn - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt quá trình mang thai cũng như khi sinh người phụ nữ phải trải qua giai đoạn hết sức vất vả về thể chất cũng như tinh thần. Nhất là trong tình hình hiện nay, nhiều phụ nữ mang thai, trẻ mắc Covid-19, chăm sóc thế nào cho đúng?

Tiêu chí phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh là F0 được chăm sóc tại nhà

Theo quyết định số 775/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chăm sóc quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc Covid-19, tiêu chí xác định phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh mắc Covid-19 được chăm sóc tại nhà như sau:

 Đối với phụ nữ có thai

- Chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ;

- Không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa:

+ Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần;

+ Ra máu âm đạo;

+ Ra nước ối;

+ Ngất hoặc co giật;

+ Phù mặt, chân, tay;

+ Đau đầu, nhìn mờ;

+ Không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường;

+ Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.

Bác sĩ khám cho phụ nữ có thai mắc Covid-19
Bác sĩ khám cho phụ nữ có thai mắc Covid-19

 Đối với trẻ sơ sinh

- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ;

- Không có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh:

+ Bú ít hoặc bỏ bú;

+ Ngủ li bì khó đánh thức;

+ Các dấu hiệu suy hô hấp: tần số thở > 60 lần/phút ở 2 lần đếm khác nhau, thở rên, thở khò khè, thở rít, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, có cơn ngưng thở trên 20 giây, SpO2<96%;

+ Co giật hoặc co cứng; cử động bất thường;

+ Thân nhiệt: Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ; hạ thân nhiệt dưới 36°C sau khi đã ủ ấm;

+ Mắt sưng đỏ hoặc có mủ; rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ;

+ Dấu hiệu mất nước: mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo, tiểu ít;

+ Vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh; vàng da kéo dài trên 14 ngày; vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh; vàng lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; vàng da tăng nhanh; vàng da kèm phân bạc màu;

+ Tiêu hóa: Nôn liên tục, bụng chướng, tiêu chảy, phân có máu;

+ Tình trạng bất thường khác của trẻ.

Hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sức khoẻ tại nhà đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc Covid-19

 Đối với phụ nữ có thai

 Theo dõi tình trạng sức khỏe:

 Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày;

 Các dấu hiệu của thai kỳ: cử động thai; các dấu hiệu bất thường về sản khoa.

 Thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường.

Quản lý thai, chăm sóc thai nghén:

 Duy trì khám thai định kỳ, khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế;

 Nếu thai phụ đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly;

 Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác;

 Duy trì bổ sung sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).

 Đối với bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và bà mẹ cho con bú

 Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày;

 Theo dõi sản dịch, co hồi tử cung và phát hiện các dấu hiệu bất thường về sản khoa.

 Thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường:

 + Ra máu tăng dần hoặc có máu cục;

+ Sản dịch có mùi hôi;

+ Đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ, tăng dần;

+ Vết khâu tầng sinh môn (đối với sinh thường) hoặc sẹo mổ đẻ có khối bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ;

+ Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ;

+ Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều;

+ Co giật;

+ Vú: sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ;

+ Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.

 Đối với trẻ sơ sinh

Theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày

 Theo dõi dấu hiệu toàn trạng của trẻ: tình trạng bú mẹ, màu sắc da, phân và nước tiểu;

 Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày (thân nhiệt bình thường của trẻ là từ 36,5 đến 37,5°C);

 Đếm nhịp thở và đo SpO2 (nếu có máy) 2 lần/ngày;

Lưu ý: các máy đo SpO2 được dùng cho người lớn có thể không đo chính xác ở trẻ sơ sinh, do đó phải kết hợp theo dõi các dấu hiệu toàn trạng của trẻ.

 Thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.

Không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR SARS-CoV-2 cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc Covid-19.

 Nếu cả bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được xác định mắc Covid-19

+ Duy trì cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ ngạt mũi khó bú, vệ sinh mũi cho trẻ trước khi cho bú.

+ Nếu trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.

 Nếu chỉ có bà mẹ được xác định mắc Covid-19

 - Trường hợp bà mẹ quyết định tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ:

+ Rửa tay thường quy bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi cho trẻ bú và đeo khẩu trang mỗi khi tiếp xúc gần với trẻ;

+ Vệ sinh bầu vú 1 lần/ngày khi vệ sinh thân thể, không cần vệ sinh trước mỗi lần cho bú; nếu bà mẹ ho, hắt hơi làm chất tiết bắn vào bầu vú, vệ sinh vú bằng nước sạch và xà phòng sau đó lau khô;

+ Nếu trẻ không bú được cần hướng dẫn bà mẹ vắt sữa bằng tay (hoặc bằng dụng cụ) và cho trẻ ăn bằng cốc và thìa; rửa tay thường quy bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vắt sữa; đeo khẩu trang trong quá trình vắt sữa và cho trẻ ăn; vệ sinh dụng cụ vắt sữa, máy hút sữa và các dụng cụ cho trẻ ăn như cốc, thìa (tốt nhất tiệt trùng bằng cách hấp hoặc luộc);

- Trường hợp sức khỏe bà mẹ tiến triển nặng, không thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ: Sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ (nếu có) hoặc nuôi dưỡng trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay khi sức khỏe ổn định.

Hướng dẫn sử dụng thuốc

 Đối với phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú

- Thuốc hạ sốt: sử dụng khi thân nhiệt > 38,5°C hoặc đau đầu nhiều, chỉ dùng thuốc hạ sốt loại có chứa Paracetamol đơn thuần.

- Thuốc điều trị các triệu chứng khác khi cần thiết:

+ Ho: Dùng các phương pháp dân gian như chanh, mật ong, súc miệng bằng dung dịch Natriclorua 0,9%.

Các thuốc có thể dùng như thuốc ho có chứa hoạt chất Dextromethorphan, Guaifenesin... hoặc thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Không dùng các loại thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con bú;

+ Ngạt mũi, chảy mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch Natri Clorua 0,9%;

+ Tiêu chảy: bổ sung Oresol, kẽm (10-20 mg/ngày).

- Tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn ngoại trú nếu có bệnh nền hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú... khi chưa có chỉ định, kê đơn.

 Đối với trẻ sơ sinh

- Hạ sốt: sử dụng khi thân nhiệt > 38,5°C. Dùng Paracetamol với liều 10­-15 mg/kg/lần (sử dụng đường uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại; lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày. Nếu trẻ nôn trong vòng 15 phút, có thể cho trẻ uống lại liều thay thế;

- Ngạt mũi: Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorua 0,9% nhỏ mũi 2-3 giọt mỗi bên mũi khi trẻ có dấu hiệu ngạt mũi và khó ngậm bắt vú. Nên ủ ấm lọ nước muối sinh lý trước khi nhỏ mũi trẻ.

Lưu ý:

- Tuyệt đối không xông hơi cho trẻ sơ sinh dưới bất kỳ hình thức nào;

- Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm,... cho trẻ sơ sinh khi chưa có chỉ định, kê đơn;

- Không được xịt rửa mũi cho trẻ sơ sinh.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần