Chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dân số đang “già” đi với tốc độ chóng mặt, nhưng vấn đề y tế nói riêng và chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi (NCT) ở nước ta chưa đáp ứng nhu cầu.

Chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi - Ảnh 1Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, vì sao chủ đề của Ngày dân số Việt Nam (26/12) năm nay lại chọn “Cộng đồng chung tay chăm sóc NCT”?

- Theo nhận định của Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp hơn 2 lần hiện nay. Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu NCT, chiếm 31% tổng dân số. Quá trình này đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi cả về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng cũng như các yếu tố văn hóa khác để thích ứng được. Chủ đề “Chung tay chăm sóc NCT” để toàn xã hội có được cái nhìn tổng quát và sự chuẩn bị cần thiết cho quá trình già hóa dân số này.

Già hóa dân số, chi phí y tế sẽ trở thành mối lo của từng gia đình cũng như toàn xã hội, nhưng y tế dự phòng chăm sóc sức khỏe NCT hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Hiện nay, ở Việt Nam chưa có được thống kê cụ thể về chi phí chăm sóc sức khỏe cho NCT. Ở các nước khác, chi phí trung bình cho chăm sóc sức khỏe NCT thường cao gấp 8 lần chi phí chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Tính bình quân, mỗi NCT phải sử dụng từ 3 - 5 loại thuốc, thậm chí có người còn dùng tới 8 loại thuốc để điều trị nhiều bệnh phối hợp. Trong khi đó, có đến 30% NCT ở nước ta không có bất kỳ một loại bảo hiểm y tế nào. Dù Việt Nam đã quan tâm đến công tác y tế dự phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT, nhưng vẫn thiếu hẳn một kế hoạch có tính chủ động trong công tác này. Thứ nhất, do nhiều NCT không có bảo hiểm y tế nên không thường xuyên đến khám sức khỏe, chỉ khi nào có bệnh mới đi bệnh viện (BV). Thứ hai, ngành y tế vẫn chưa có hệ thống hồ sơ theo dõi sức khỏe thường xuyên với NCT nói riêng và người dân nói chung sống trong cộng đồng. Thứ ba, hệ thống lão khoa ở nước ta phát triển chậm so với nhu cầu. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn các BV lớn cần có khoa lão khoa, các BV chưa đủ quy mô thành lập phải dành một số giường nhất định cho NCT, nhưng hiện nay, cả nước mới chỉ có 28 BV có khoa lão khoa; 270 khoa khám bệnh có buồng riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; gần 5.600 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT, dịch vụ chăm sóc NCT vẫn còn thiếu.

Trong thời gian tới, công tác này sẽ được đẩy mạnh như thế nào?

- Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đặt muc tiêu tăng tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT lên 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; tăng tỷ lệ NCT được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng lên 20% (2015) và 50% (2020). Hiện, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện cho NCT. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là một biện pháp “đi trước đón đầu” để chúng ta không bị động khi bước vào giai đoạn dân số già.

Xin cảm ơn ông!
Chăm sóc NCT không chỉ là chăm sóc y tế mà cần chăm sóc toàn diện, cả về vật chất lẫn tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có được một cuộc sống đảm bảo và an toàn. Do vậy, vấn đề chính của công tác dân số hiện nay của Việt Nam là cần có chiến lược dài hạn, đề ra những giải pháp phù hợp, kịp thời và đồng bộ để giải quyết các vấn đề nảy sinh khi một quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số như: Lao động, lương hưu, bảo trợ xã hội, sức khỏe và các dịch vụ y tế, chăm sóc NCT, cơ cấu gia đình, chuyển giao giữa các thế hệ..
Ông Ngô Trọng Vịnh - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NCT Việt Nam