Tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi rất đa dạng, thường gặp do virus ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chiếm khoảng 70 - 80%. Nhiều loại virus thường trú đường hô hấp có thể gây bệnh như Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus, virus hợp bào hô hấp (gọi tắt RSV) hoặc virus á cúm.Ở nước ta, viêm phổi cũng có thể do nguyên nhân vi khuẩn vì đặc thù về khí hậu và điều kiện môi trường sống chưa đảm bảo, thường gặp nhất là viêm phổi do vi khẩn Hib (vi khuẩn Hemophilus influezae týp b) và vi khuẩn phế cầu trùng có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, ngoài ra còn một số những loại vi khuẩn khác cũng góp phần gây bệnh viêm phổi ở trẻ như tụ cầu, liên cầu tan máu bê ta nhóm A, vi khuẩn Klebsiella...Đôi khi viêm phổi cũng có thể do nhiễm vi nấm hoặc ký sinh trùng, tuy nhiên với tỷ lệ rất thấp.Đường xâm nhập của tác những nhân gây bệnh viêm phổi phần lớn qua đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm a mi đan hoặc qua đường máu như trẻ bị mụn nhọt da, chốc lở...Những biểu hiện giúp phát hiện trẻ bị viêm phổi Biểu hiện ban đầu ở những trẻ nghi bị viêm phổi là trẻ có thể bị sốt, đôi khi sốt cao từ 39 - 40oC (khiến trẻ lạnh run).Ho cũng là biểu hiện phổ biến khi trẻ bị viêm phổi, những ngày đầu của bệnh trẻ thường ho khan, có những trẻ ho có đàm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì tình trạng tăng tiết chất nhầy nhớt trong đường hô hấp. Trẻ có thể bị chảy nước mũi, nước mũi trong hoặc có màu xanh hoặc vàng tùy theo nguyên nhân gây bệnh, sổ mũi thường làm trẻ nghẹt mũi gây khó khăn cho việc ăn uống và bú mẹ của trẻ. Thở nhanh là dấu hiệu rất đặc trưng và xuất hiện từ rất sớm có thể giúp phụ huynh nhận biết được trẻ có bị viêm phổi hay không. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu nhịp thở ≥60 lần/ phút là trẻ thở nhanh, trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi nếu nhịp thở ≥50 lần/ phút là thở nhanh, trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi nếu nhịp thở đếm được ≥40 lần/ phút là trẻ thở nhanh. Các dấu hiệu giúp xác định trẻ bị viêm phổi nặng cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để tích cực điều trị giúp trẻ vượt qua những nguy hiểm của bệnh. Những dấu hiệu gợi ý bệnh diễn biến nặng như: Trẻ thở co lõm ngực; trẻ thở rít; trẻ bỏ ăn, bỏ bú, lừ đừ, nôn ói nhiều, sốt cao từ 39oC liên tục không hạ sau khi đã tích cực hạ sốt.Nguyên tắc điều trị và chăm sóc Theo phác đồ điều trị bệnh viêm phổi của Bộ Y tế, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nặng, vừa hay nhẹ của bệnh.Đối với các nguyên nhân do siêu vi trùng, không cần dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể bằng chế độ ăn thích hợp giúp trẻ bệnh mau lành bệnh.Đối với các nguyên nhân do vi trùng hoặc vi nấm cần phải uống kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.Vệ sinh đường hô hấp bằng việc dùng khăn sạch làm thông thoáng đường hô hấp như rửa mũi cho trẻ bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý (Nacl 0,9%), lấy bớt đàm nhớt đang ứ đọng ở đường hô hấp giúp trẻ dễ thở và thuận lợi trong việc ăn uống hoặc bú mẹ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng thích hợp cho trẻ như tăng cường cho trẻ bú mẹ (nếu trẻ còn bú mẹ sữa mẹ giúp trẻ khỏe mạnh hơn), thức ăn cho trẻ cần đảm bảo số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong lúc trẻ đang bệnh thường khó ăn và dễ bị ói, gia đình nên cho thức ăn nhẹ, lỏng dễ tiêu và chia làm nhiều bữa trong ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo năng lượng đủ. Trẻ dễ ói nên cho ăn cẩn thận vì có thể bị sặc gây viêm phổi hít và làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ.Trẻ ho nhiều phụ huynh có thể cho trẻ uống những loại thuốc ho có nguồn gốc thảo mộc (thảo dược) an toàn cho sức khỏe của trẻ như rau tần dầy lá, tắc chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong, hoa hồng bạch hấp đường phèn (phổ biến ở miền Bắc), phụ huynh có thể tự chế biến hoặc mua những loại thuốc ho an toàn chế biến sẵn.Tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.Bệnh viêm phổi thường phổ biến khi thời tiết chuyển mùa nhất là mùa lạnh, phụ huynh nên chú ý việc giữ ấm cho trẻ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ uống vì thuốc uống không phù hợp có thể gây hại cho trẻ. Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, giữ vệ sinh cá nhất tốt nhất là thói quen rửa tay sạch sẽ và thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết chính là biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cho trẻ.