Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi phẫu thuật về, người bệnh và gia đình cần có những kiến thức cơ bản về chăm sóc vết mổ. Nếu chăm sóc không đúng cách, vết mổ sẽ lâu liền và có thể gây nhiễm trùng.

Nhiều cách đóng vết mổ

Sau phẫu thuật, bác sĩ (BS) sẽ đóng vết mổ lại bằng chỉ phẫu thuật, kẹp ghim, băng dính hoặc bằng một loại keo dán đặc biệt. Tùy vào loại phẫu thuật và tình trạng vết mổ trên da, BS sẽ chọn cách đóng vết mổ phù hợp nhất. Trong đó, chỉ phẫu thuật là phương pháp hay dùng nhất để đóng vết mổ. Nếu vết mổ được đóng lại bằng chỉ nilon hoặc lụa, BS hoặc y tá sẽ cắt và lấy hết chỉ khi vết mổ đã lành.
Kiểm tra, vệ sinh thật kỹ vết mổ sau khi phẫu thuật.  	Ảnh: Trần Anh
Kiểm tra, vệ sinh thật kỹ vết mổ sau khi phẫu thuật. Ảnh: Trần Anh
Ngoài ra, tùy loại vết mổ, BS sẽ dùng kẹp ghim, làm bằng kim loại không gỉ, có tác dụng ép hai mép vết mổ lại với nhau. Vết mổ đóng lại bằng kẹp ghim thường liền nhanh hơn so với khâu bằng chỉ. Bên cạnh đó, băng keo cũng có thể dùng kết hợp với chỉ phẫu thuật, kẹp ghim hoặc dùng riêng. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật ở vùng đã có vết mổ cũ hoặc cơ thể đang có tình trạng bệnh làm cho vết mổ lâu lành, BS có thể sẽ không chọn phương pháp này.

Thời gian liền vết mổ tùy thuộc vào loại phẫu thuật và tình trạng sức khỏe mỗi người. Thông thường, ở người khỏe mạnh, vết mổ sẽ liền sau 2 tuần. Thời gian liền vết mổ sẽ dài hơn nếu người bệnh có bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc gây ức chế miễn dịch.

Để vết mổ nhanh lành
Báo ngay cho BS phẫu thuật hoặc đi khám lại nếu xuất hiện các hiện tượng như: Ớn lạnh hoặc sốt trên 38,3oC; Vết mổ đau kèm hiện tượng sưng, nóng, đỏ; Vết mổ chảy mủ, chảy nước có mùi khó chịu hoặc dịch từ ống dẫn lưu chảy ra ngày một nhiều; Vết mổ đột ngột chảy máu; Cảm giác căng, thít chặt quanh vết mổ; nút chỉ khâu hoặc ghim trên da bị toác ra.

Sau phẫu thuật, vết mổ sẽ được băng kín. Tùy loại phẫu thuật, BS hoặc điều dưỡng sẽ kiểm tra vết mổ, thay băng mới trước khi bệnh nhân xuất viện. Khi về nhà, một hoặc 2 ngày, người bệnh cần thay băng theo cách đã được hướng dẫn. Khi thay băng, chú ý xem vết mổ có đỏ lên, bị sưng hoặc chảy nước không. Nhớ rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi mở băng và thay băng. Không làm lớp băng bị bẩn hoặc bị ướt. Nếu vết mổ được băng lại bằng băng dính, sau vài ngày đầu băng dính có thể cong lên, không nên bóc, hãy để nó bong ra tự nhiên.

Trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật cần phải giữ vết mổ sạch và khô. Không rửa hoặc để nước thấm vào vết mổ. Hỏi rõ BS phẫu thuật tới khi nào có thể tắm dưới vòi sen. Khi vết mổ chưa lành hoàn toàn, cần tránh kỳ cọ mạnh vào vết mổ, tránh ngâm người trong bồn nước nóng hoặc bơi lội.

Trong mấy ngày đầu sau mổ, có thể có cảm giác khó chịu, tê nhức nơi vết mổ, tuy nhiên hiện tượng này là bình thường. Nếu cảm giác khó chịu tăng nhiều, tăng một cách đột ngột, cần thông báo với BS phẫu thuật.

Có nhiều trường hợp sau phẫu thuật, BS sẽ đặt một cái ống nhỏ vào vết mổ để mở đường cho máu loãng hoặc dịch từ vết mổ chảy ra. Máu hoặc dịch chảy ra sẽ được dẫn vào một túi hoặc một chai nhỏ. Khi số lượng dịch chảy ra chỉ còn khoảng 30ml/ngày, BS sẽ rút bỏ ống dẫn lưu. Cần thay túi đựng dịch dẫn lưu thường xuyên theo hướng dẫn của BS. Chú ý, không rút ống dẫn lưu ra khỏi túi (hoặc chai), tránh đè ép làm tắc ống.

Để vết mổ nhanh lành, người bệnh nên ăn chế độ giàu đạm, nhiều vitamin C và nguyên tố kẽm. Vitamin C có nhiều trong quả chanh và các loại rau lá màu xanh. Thịt và sữa có thành phần đạm cao và chứa nhiều nguyên tố kẽm. Nếu bữa ăn hàng ngày chưa đủ, có thể dùng thêm các loại vitamin và thực phẩm chức năng.

Sau phẫu thuật cần sớm vận động, tuy nhiên cần vận động nhẹ nhàng, tránh các động tác mạnh, đột ngột, phải dùng nhiều sức lực. Vết mổ thường dễ bị ánh nắng tác động. Hãy mặc quần áo dài hoặc phủ lên vết sẹo mổ một lớp kem chống nắng khi phải ra ngoài trời. Làm mờ vết sẹo đỏ bằng cách phủ lên một lớp kem nền xanh trước khi xoa kem trắng. Các loại nhũ dịch và kem làm mềm da có tác dụng tốt đối với vết sẹo mổ.