Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chạm tới ý thức để tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp; Giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm; Ứng dụng công nghệ, sáng kiến hỗ trợ người tiêu dùng vận hành tối ưu các thiết bị… là những giải pháp tiết kiệm điện vì khó khăn về năng lượng.

Đó là những vấn đề được nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng” do Tạp chí Công Thương tổ chức trực tuyến diễn ra ngày 20/5.

Công nhân truyền tải điện PTC1 căng mình kiểm tra đảm bảo cung cấp điện trong những ngày năng nóng 2023. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân truyền tải điện PTC1 căng mình kiểm tra đảm bảo cung cấp điện trong những ngày năng nóng 2023. Ảnh: Khắc Kiên

Đối diện nhiều thách thức

Tại tọa đàm, các diễn giả cho biết, thực tế cho thấy, năm 2023, dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, trong khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng vẫn còn nhiều điều khó lường, được dự đoán chưa thể kết thúc trong năm nay.

Các diễn giả tại tọa đàm. 
Các diễn giả tại tọa đàm. 

Điều này đặt ra áp lực lớn đối với nguồn cung năng lượng tại Việt Nam vốn đã thiếu hụt do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Bài toán đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn cho toàn quốc phải đối diện với nhiều thách thức.

Bởi, những ngày gần đây, liên tục ghi nhận thông tin về thời tiết nắng nóng trên cả nước, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo sát sao đối với ngành điện nhằm tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là kêu gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Một trong những giải pháp Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo là thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành và khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ.
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ.

Mới đây, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), là hướng mở mới được đưa ra để thực hiện hiệu quả quy hoạch, là giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ thẳng thắn, các giải pháp sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng một vai trò rất quan trọng để giúp đảm bảo đủ năng lượng cho nền kinh tế, đảm bảo đủ điện cho đời sống xã hội, cũng như cho người dân trên toàn quốc.

“Chúng ta có một chiến dịch Giờ Trái đất, và nhiều hoạt động tuyên truyền về việc nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cho người dân, doanh nghiệp. Điều đó sẽ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” – vị này thông tin.

Cơ chế và giải pháp để chung tay

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, đơn vị đã tham mưu Thành ủy, UBND TP ban hành các kế hoạch và từng giải pháp, nhiệm vụ cụ thể giao cho cơ quan ban, ngành triển khai cụ thể theo từng giai đoạn và từng năm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng.
 

Năm 2023 TP Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7 - 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn; xây dựng 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh; Dự kiến tổ chức 1.000 lớp tập huấn để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng

Theo đó, nhiều chương trình, hoạt động cùng chung tay với ngành điện để giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm; xây dựng các chương trình tập huấn trực tiếp tại 30 quận, huyện về những mô hình, cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và tiết kiệm điện

Dự kiến, cuối tháng 6 phối hợp với Hàn Quốc tổ chức triển lãm về tiết kiệm năng lượng, cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn năng lượng vừa có những giải pháp, vừa tuyên truyền rộng rãi

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam Lý Thị Phương Trang cho biết, Daikin khi thành lập cũng là một trong những nhà máy tiên tiến nhất của tập đoàn đã dùng những công nghệ về tiết kiệm điện hàng đầu ứng dụng vào trong nhà máy.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam Lý Thị Phương Trang.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam Lý Thị Phương Trang.

Về mặt thiết bị, điều hòa không khí Daikin là một sản phẩm luôn đi đầu trong lĩnh vực tiết kiệm điện.

“Trong vài năm tới Daikin Việt Nam tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy sử dụng sản phẩm điều hòa không khí loại biến tần nhiều hơn. Các kỹ sư của chúng tôi cũng không ngừng nghiên cứu để nâng cao chỉ số về tiết kiệm điện của máy điều hòa không khí, đặc biệt là dân dụng, cũng như thương mại và kể cả những hệ thống trung tâm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có những giải pháp hỗ trợ cho người dùng” - nữ doanh nhân này nói. Đồng thời kiến nghị, cần có cơ chế đồng hành với doanh nghiệp chuyển đổi dần các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng…

 

Năm 2023 được dự báo xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 11/5/2023, 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4...