Xây dựng trung tâm logistics hiện đại, đồng bộ để tối ưu hóa năng lực thông quan, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh là mục tiêu lâu dài của tỉnh Lạng Sơn. Trước mắt, một số DN trên địa bàn đã có phương án xin mở rộng khu vực bến bãi xuất nhập khẩu, để câu chuyện ùn ứ nông sản không trở thành điệp khúc "đến hẹn lại lên". Vào thời điểm thu hoạch nông sản, xe chở hàng từ khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL, miền Trung... thường dồn về khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, gây ùn ứ cục bộ trên quốc lộ 1A.
Theo ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương, dù được đầu tư hàng năm, nhưng cơ sở hạ tầng bến bãi phục vụ hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe xuất nhập khẩu trên địa bàn, đã chủ động lên kế hoạch mở rộng bến bãi để phần nào hạn chế việc ùn ứ.
“Một trong những giải pháp căn cơ lâu dài, DN đã trình phương án lên UBND tỉnh xin mở rộng diện tích làm kho bãi, để đảm bảo lợi thế của cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu đường bộ lớn nhất của cả nước với Trung Quốc. Nếu được chấp thuận, DN sẽ đầu tư với các hạng mục đầy đủ và hiện đại, như ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, đào tạo nhân sự… đáp ứng nhu cầu. Như vậy có thể giải quyết căn cơ vấn đề ách tắc tại cửa khẩu, góp phần thông quan hàng hóa nhiều nhất, tăng thuế xuất - nhập khẩu cho cả nước cũng như nguồn thu cho tỉnh”, ông Cường nói.
Hiện mọi thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn bao gồm thủ tục hải quan và biên phòng. Đây chính là nguyên nhân khiến khu vực này luôn tập trung lượng lớn phương tiện, hàng hóa. Trong Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050”, có đề cập đến một khu trung chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Cao Lộc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 4 km.
Hiện khu trung chuyển này đang được đầu tư xây dựng và khi hoàn thành, được kì vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái logistics hoàn chỉnh, quy mô với đầy đủ các chức năng, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa xuất khẩu, hạn chế việc nông sản xuất khẩu bị ép giá…
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta - thành viên Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, việc đưa các điểm thông quan ra ngoài cửa khẩu cũng là 1 giải pháp cần phải xem đến nhằm giảm tải áp lực lên cửa khẩu.
“Chúng ta có thể tham khảo mô hình quản lý hàng hóa xuất – nhập khẩu của Trung Quốc. Họ cũng thiết lập các bãi làm thủ tục thông quan ở cách xa cửa khẩu, khi xe đến khu vực cửa khẩu hầu như không phải làm thủ tục. Giải pháp lâu dài để thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics Lạng Sơn, là phải mở rộng không gian cho việc làm thủ tục xuất – nhập khẩu hàng hóa, không phải chỉ là xử lý các xung đột lợi ích ở khu vực cửa khẩu vốn đã quá chật chội, quá tải”, ông Nghĩa đề xuất.
Trong thời điểm hàng hóa nông sản xuất khẩu dồn về khu vực các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra một số giải pháp mang tính tạm thời, như sắp xếp, điều tiết xe, thông báo tình hình xuất nhập khẩu tới các DN, địa phương có vùng trồng nông sản để chủ động cân đối nguồn hàng… Dù vậy, giải pháp căn cơ vẫn là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, tỉnh đẩy mạnh phát triển các hệ thống bến bãi, đường giao thông kết nối với các cửa khẩu; Có chương trình mở rộng bến bãi ở cửa khẩu để đủ sức chứa các phương tiện khi đến mùa thu hoạch nông sản.
“Tỉnh Lạng Sơn đang tập trung triển khai khu chế xuất, khu phi thuế quan, khu trung chuyển hàng hóa… để triển khai các dịch vụ logistics phục vụ cho công tác thông quan hàng hóa, có đủ các điều kiện để bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Thiệu cho hay.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế của mình, Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng xuất - nhập khẩu, xây dựng trung tâm logistics hiện đại, đồng bộ, qua đó góp phần thúc đẩy hơn nữa thương mại xuyên biên giới.