Hôm 24/6, Nga cáo buộc Anh tung tin giả về cuộc đối đầu với tàu chiến ở Biển Đen và cảnh báo London rằng nước này sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào của hải quân Anh ngoài khơi Crimea.
Tàu khu trục của Anh đã đến thăm cảng Odessa của Ukraine trong tuần này, theo đó hai bên ký kết thỏa thuận để London hỗ trợ tăng cường lực lượng hải quân cho Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Anh, tàu HMS Defender đơn thuần chỉ thực hiện chuyến hải trình như thường lệ từ Odessa (Ukraine) đến Gruzia thông qua Biển Đen và đó là tuyến đường được luật pháp quốc tế cho phép.
Trong khi đó, phía Nga cho biết một tàu tuần tra của Cơ quan An ninh liên bang Nga đã bắn cảnh cáo sau khi HMS Defender phớt lờ thông báo và tiến sâu vào vùng lãnh hải của Nga 3 km, gần căn cứ hải quân Sevastopol ở Crimea. Theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay ném bom Su-24M cũng đã thả bom cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh. Sau đó, tàu HMS Defender đã rời khỏi vùng biển của Nga.
Anh đã phản bác lại lập luận của Nga khi khẳng định không có phát súng cảnh cáo cũng như quả bom nào được thả nhằm vào tuyến đường của tàu khu trục Defender thuộc Hải quân Hoàng gia Anh.
London cho biết các vụ bắn là một phần trong cuộc tập trận của Nga, trong khi Nga công bố đoạn phim quay từ máy bay ném bom SU-24 bay áp sát tàu Anh.
Về vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cáo buộc các phi công Nga đã tiến hành các cuộc điều động máy bay thiếu an toàn khi chỉ cách tàu chiến Anh 152 m.
"Các máy bay này không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho tàu chiến HMS Defender, nhưng một số hoạt động diễn tập này không an toàn và không chuyên nghiệp", theo ông Wallace.
Trước tuyên bố trên, Nga đã triệu tập đại sứ Anh tại Moscow để đưa ra lời cảnh cáo ngoại giao sau khi cáo buộc tàu chiến Anh vi phạm lãnh hải của Nga – nơi Anh và một số quốc gia khác khẳng định thuộc về Ukraine.
Cụ thể, Đại sứ Deborah Bronnert đã được Bộ Ngoại giao Nga triệu tập và đưa ra một "ranh giới khó khăn" - phát ngôn viên Maria Zakharova cáo buộc London "dối trá hoàn toàn".
Nói về vụ việc, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi tin rằng đó là một hành động khiêu khích có chủ ý và được tính toán trước”.
Điểm nóng Biển Đen
Theo Reuters, Biển Đen được coi là nơi Nga thể hiện sức mạnh ở Địa Trung Hải, trong nhiều thế kỷ đã là tâm điểm giữa Nga và các đối thủ cạnh tranh như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh và Mỹ.
Trong cuộc chiến năm 2008 với Gruzia, Nga đã tấn công các tàu chiến của Mỹ hoạt động ở Biển Đen và vào tháng 4, Mỹ đã hủy bỏ việc triển khai hai tàu chiến tới khu vực này.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và coi các khu vực biển xung quanh thuộc Nga. Các nước phương Tây coi Crimea là một phần của Ukraine và bác bỏ yêu sách của Nga đối với các vùng biển xung quanh.
Trước diễn biến này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tàu chiến của nước này đã hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong vùng biển quốc tế.
"Điểm quan trọng là chúng tôi không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea", ông nói với các phóng viên. "Đây là vùng biển của Ukraine và hoàn toàn có quyền đi từ A đến B."