Chặn “bẫy” bảo hiểm nhân thọ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua hôm 20/6/2023 vừa qua yêu cầu bên cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phải giải thích rõ ràng các điều khoản cho khách hàng.

Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng đi vào cuộc sống được kỳ vọng sẽ hạn chế những bất cập trong hoạt động bảo hiểm thời gian qua.

Chặn chiêu “lập lờ đánh lận con đen”

Những lùm xùm dính líu đến ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã phần nào bộc lộ bất cập, tồn tại của lĩnh vực đầy tiềm năng này. Qua sự việc, niềm tin của khách hàng đã bị khủng hoảng nghiêm trọng.

Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm chủ yếu là do khách hàng không được tư vấn, giải thích cặn kẽ về điều khoản bảo hiểm khi ký hợp đồng. Có tình trạng nhiều đại lý, tư vấn viên không hề cung cấp điều khoản bảo hiểm, chỉ tư vấn trên bảng minh họa quyền lợi. Trong khi đó, bảng minh hoạ chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không có giá trị pháp lý.

Nhiều thông tin về rủi ro được bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm, nghĩa vụ của bên mua và các hình thức chế tài đối với bên mua nằm hết trong bộ điều khoản, mà bộ điều khoản này chỉ được giao cho khách hàng sau khi đã ký hợp đồng, đóng phí… Điều đáng nói, khi xảy ra các tranh chấp hoặc sai phạm, khách hàng thường sẽ là người yếu thế, không có cơ sở để bảo vệ, giành lại quyền lợi của mình.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua hôm 20/6/2023, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phải giải thích rõ ràng các điều khoản cho khách hàng. Ảnh: Phạm Hùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua hôm 20/6/2023, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phải giải thích rõ ràng các điều khoản cho khách hàng. Ảnh: Phạm Hùng

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, hợp đồng bảo hiểm thường là hợp đồng gia nhập, tức là DN bảo hiểm sẽ soạn sẵn mẫu hợp đồng để bên mua bảo hiểm đồng ý ký kết hợp đồng. Trong lĩnh vực này, có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn về bảo hiểm không được định nghĩa, giải thích cụ thể trong hợp đồng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn đối với bên mua.

Thực tế cho thấy, các hợp đồng mẫu về bảo hiểm hiện nay đa số có nhiều thuật ngữ khó hiểu nên mặc dù gây bất lợi cho khách hàng nhưng họ không thể nhận ra ngay trừ khi có sự giúp đỡ tìm hiểu bởi chuyên gia về bảo hiểm. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm sẽ phải chịu nhiều bất lợi và đặc biệt là khi có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của người tiêu dùng thường không được bảo đảm.

Nói về thực trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) chỉ ra, các hàng hóa tài chính nói chung, bảo hiểm nói riêng ở nước ta hiện đang rất thiếu các quy định mang tính cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bản chất vấn đề khi chưa có quy định về Luật để bảo vệ người tiêu dùng, thì việc quy định trong các hợp đồng cũng như trong quá trình thực thi các sản phẩm hàng hóa tài chính không đầy đủ. "Khi có tranh chấp, vi phạm xảy ra, khách hàng không có gì làm bằng chứng, không biết kiện ai, ra cơ quan nào… Chính vì vậy, trên thị trường thường có tình trạng “lập lờ đánh lận quân đen”" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

 

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung, ngành bảo hiểm nói riêng là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Bởi có thực tế, hợp đồng theo mẫu của ngành bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
của Quốc hội Lê Quang Huy

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chặn những “bẫy ngầm” trong thị trường tài chính nói chung, bảo hiểm nói riêng, ngày 20/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, Luật được thông qua đưa ra 3 điều về vấn đề này, bao gồm đơn vị cung cấp dịch vụ phải thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng phải chính xác, rõ ràng, minh bạch; vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; cung cấp bằng chứng giao dịch…

Đối với vấn đề thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Luật thông qua quy định việc thông báo về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời gian lưu trữ thông tin của người tiêu dùng phải thực hiện trước khi thực hiện giao dịch và phải được người tiêu dùng đồng ý. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định về xây dựng quy tắc bảo vệ, sử dụng thông tin và đảm bảo an toàn thông tin.

Cơ sở bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng an tâm

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi khách hàng là cần thiết và phù hợp với bối cảnh này. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống với các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế được những bất cập trong hoạt động bảo hiểm trong thời gian qua.

Đứng ở góc độ người dân, chị Nguyễn Thị Hải (Yên Nghĩa, Hà Đông) bày tỏ: “Thời gian qua, sau khi theo dõi những vụ việc tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tôi thực sự hoang mang không biết có nên mạo hiểm tiếp tục mua bảo hiểm không. Bởi thực tế, người dân rất hạn chế về luật pháp. Nhưng hiện nay, sau khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng, có thêm cơ sở để bảo vệ những khách hàng mua bảo hiểm, tôi cũng yên tâm hơn và lại cân nhắc sẽ mua bảo hiểm nhân thọ cho các con trong thời gian tới”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với việc đưa các quy định vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc bảo vệ quyền lợi tài chính của những tầng lớp dân cư, người tham gia đầu tư sẽ được quan tâm, quy định một cách chặt chẽ.

Khi đó, đơn vị cung cấp dịch vụ bắt buộc phải có những yêu cầu về mặt luật pháp, như phải tổ chức giải thích ra sao, tuyên truyền, làm cho chủ thể hiểu được sản phẩm tài chính, bảo hiểm. Đối với khách hàng, có cơ sở được quy định cụ thể, đi kèm là những gì được coi là bằng chứng, khi cần thiết có thể kiện ra các cơ quan bảo vệ pháp luật. Từ đó quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ một cách đầy đủ.

Đứng ở góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho chỉ ra, việc yêu cầu bên kinh doanh bảo hiểm phải giải thích rõ ràng các điều khoản cho khách hàng nhằm hạn chế việc bên kinh doanh bảo hiểm “cài cắm” những điều khoản khó hiểu hoặc dài dòng, nhằm đặt những phạm vi, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng, bất lợi cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, quy định này góp phần làm tăng trách nhiệm của bên kinh doanh bảo hiểm hơn. Trên thực tế, nhiều DN bảo hiểm “phủi” trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Họ cho rằng trách nhiệm của người mua là biết và phải biết về lợi ích cũng như nghĩa vụ của mình khi tham gia ký kết hợp đồng và về các điều khoản trong hợp đồng.

Việc không biết, không hiểu các điều khoản là lỗi của khách hàng và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Việc quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thông qua trên góp phần bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của bên bán, hạn chế rủi ro cho bên mua.

Mặt khác, việc bổ sung thêm quy định này góp phần hạn chế tranh chấp xảy ra. Những tranh chấp trong lĩnh vực này thường là những tranh chấp về các nghĩa vụ thanh toán, tranh chấp về thời hạn của hợp đồng hay những tranh chấp xoay quanh tính trung thực của thông tin mà bên mua bảo hiểm phải cung cấp. Việc yêu cầu giải thích rõ ràng các điều khoản cho khách hàng giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi có quyết định tham gia hoặc không tham gia bảo hiểm.

 

Từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đòi hỏi những hàng hóa tài chính nói chung, quyền lợi tài chính của người tham gia phải được bảo vệ bằng Luật. Việc có quy định trong Luật là cơ sở góp phần giúp cho khách hàng mua bảo hiểm có thể hiểu rõ hơn về thông tin dịch vụ sản phẩm mình mua.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính