“Chân dép lốp/ Mà lên tàu vũ trụ”*

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây đúng 35 năm, ngày 23/7/1980, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân (Việt Nam) và Vichtor Vaxilievich Gorbatco (Liên Xô) đã thực hiện thành công chuyến bay vào không gian trên tàu vũ trụ Liên hợp 37.

Sắp tới, 2 người bạn từng hợp tác trên khoảng không sẽ gặp lại nhau trong chương trình kỷ niệm dấu mốc Việt Nam lần đầu bước chân chinh phục vũ trụ.

Sau khi được lựa chọn tham gia Chương trình hợp tác quốc tế sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (INTERCOSMOS), Trung tướng Phạm Tuân đã trải qua thời gian huấn luyện 1 năm 1 tháng với chương trình đào tạo bao gồm những bài tập rèn luyện thể lực khắt khe và chương trình học phức tạp về cả lý thuyết và thực hành dành riêng cho phi công vũ trụ.

Suốt 8 ngày bay với 142 vòng quỹ đạo quanh Trái đất, hai nhà du hành vũ trụ đã thực hiện nhiều thí nghiệm quan trọng, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Interspunik. Nói về người bạn đồng hành của mình, V.Gorbatko trả lời Tạp chí “Tin tức vũ trụ” rằng: “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất tự hào là đã bay cùng Phạm Tuân… Phạm Tuân rất thông minh, nắm bắt các bài lý thuyết và thực hành rất nhanh. Tôi hầu như không phải gặp bất cứ khó khăn gì.”

Với tình hình Việt Nam thời điểm đó, việc đưa người vào vũ trụ dường như là điều không tưởng. Nhưng khi hình ảnh Trung tướng Phạm Tuân “bơi chân trần” được gửi về mặt đất, phát đi trên sóng truyền hình, cả Chính phủ và Nhân dân Việt Nam biết rằng, dân tộc ta với “bữa cơm khoai/ít cá nhiều rau”* hoàn toàn có thể biến những điều không thể thành có thể.

Không thể phủ nhận, bước chân đầu tiên trên vũ trụ của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Liên Xô. Có thể nói, chuyến bay của hai phi công vũ trụ Vichtor Gorbatco và Phạm Tuân là một biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt – Xô, của tình đoàn kết anh em, gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc. Thành công của chuyến bay còn mang nhiều ý nghĩa với kinh tế, chính trị, khoa học Việt Nam. Nó đã trở thành minh chứng hùng hồn nhất cho trí tuệ Việt Nam, khả năng đi tắt đón đầu, dần dần vươn lên với trình độ chung của thế giới.

Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam xác định khoa học công nghệ là mũi nhọn phát triển hàng đầu. Nếu như chuyến bay của Trung tướng Phạm Tuân là dấu son trong việc đưa người Việt Nam lên vũ trụ, thì những thành công khi phóng các vệ tinh Vinasat-1 (2008), Vinasat-2 (2012) và VNREDSat-1 (2013) vào quỹ đạo đã mở ra cho Việt Nam một giai đoạn mới trong hợp tác chinh phục không gian vũ trụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần