Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị khởi tố một số vụ giao dịch bất động sản

Chặn dự án “ma”, thổi giá đất

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/3, Bộ Công an cho biết, đang xem xét kiến nghị khởi tố một số vụ giao dịch bất động sản (BĐS). Trong đó, có hiện tượng quảng cáo dự án “ma” để phân lô bán nền, lợi dụng việc đấu giá để thổi giá đất…

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và được đánh giá là hành động thiết thực giúp thanh lọc thị trường BĐS trong thời gian tới.

Đất nông nghiệp ở nhiều địa phương đang được thổi giá lên ở mức cao. Ảnh: Tiểu Thúy  
Đất nông nghiệp ở nhiều địa phương đang được thổi giá lên ở mức cao. Ảnh: Tiểu Thúy  

Giao dịch bất động sản bất ổn?

Biến động của thị trường BĐS luôn thu hút sự quan tâm không chỉ của riêng nhà đầu tư mà cả xã hội bởi nó tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thậm chí cả nền kinh tế. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường BĐS liên tục chứng kiến các cơn sốt đất, phân lô bán nền tràn lan, Bộ Công an đã đưa ra kiến nghị khởi tố một số vụ giao dịch BĐS, nhằm ngăn chặn dự án “ma” và thổi giá đất.

Theo đó, Báo cáo công tác dân nguyện tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu nhiều thông tin khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Cụ thể, tình trạng sai phạm tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, người dân nhận nhà đã nhiều năm nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận; việc lấn chiếm đất công để xây dựng các công trình trái phép tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội...

Đề cập đến hiện tượng quảng cáo dự án “ma” để phân lô bán nền, lợi dụng việc đấu giá để thổi giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cảnh báo, tình trạng trái pháp luật này đang diễn ra rất phức tạp. "Báo chí phản ánh một số địa phương như Bình Phước, Quảng Trị có tình trạng dàn cảnh mua bán đất rất sôi nổi, “tranh mua cướp bán” để đưa lên mạng xã hội, qua đó tác động đến tâm lý người muốn tranh thủ thị trường để lướt sóng, gây thực trạng hết sức lộn xộn" - ông Hoàng Thanh Tùng dẫn chứng và nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý vấn đề này. Bởi đây cũng là một tình trạng thổi giá gây nhiễu loạn thị trường.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tập trung vào 3 nội dung. Trong đó, đáng chú ý là xem xét các kiến nghị khởi tố có liên quan đến hợp đồng, nhất là các hợp đồng giao dịch BĐS, bảo đảm khách quan, đúng pháp luật. Các vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai, thu hồi đất, xảy ra tập trung ở các khu vực có tốc độ đô thị hoá cao.

Ngay lập tức, thông tin này đã khiến thị trường BĐS phấn khởi, nhất là với các nhà đầu tư BĐS có nhu cầu ở thực. Cùng với đó, nhiều chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực BĐS cũng bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ kiến nghị của Bộ Công an.

Cần lành mạnh hóa thị trường

Đánh giá cao sự quyết liệt trong kiến nghị nói trên của Bộ Công an, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, khi một số giao dịch BĐS bị khởi tố thì các giao dịch mờ ám khác trên thị trường sẽ tự động giảm, góp phần bảo vệ nhà đầu tư và tăng tính minh bạch cho thị trường.

“Vấn đề lớn nhất của lĩnh vực BĐS là pháp lý không rõ ràng, phức tạp khiến người dân bình thường khó tiếp cận, phân biệt được đâu là dự án có pháp lý đầy đủ và đâu là dự án “ma”. Từ đó, việc lợi dụng BĐS để lừa đảo xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Do đó, để trong sạch thị trường, ngoài việc khởi tố các giao dịch BĐS phi pháp, vai trò của chính quyền địa phương là rất lớn” – ông Trần Khánh Quang nói.

Theo ông Trần Khánh Quang, chỉ cần chính quyền địa phương quyết tâm rà soát, công khai toàn bộ các dự án có thật và không có thật trên địa bàn phụ trách, thì công tác xử lý dự án “ma” sẽ rất dễ dàng. Đặc biệt, bên cạnh việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương cũng cần công khai, minh bạch các kế hoạch tổ chức đấu giá đất và kết quả trúng đấu giá. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay ngầm trong các cuộc đấu giá đất. Có như vậy, thị trường BĐS mới đảm bảo tính minh bạch, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Cũng với góc nhìn tương tự, chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mạnh tay khởi tố các giao dịch BĐS gian dối, các chiêu trò tăng giá ảo, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia này kiến nghị, bên cạnh việc khởi tố, cần phải sớm có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu nếu nhận thấy các cá nhân, DN có dấu hiệu lừa đảo.

Ông Nguyễn Văn Đực đánh giá, khởi tố quan trọng nhưng việc cảnh báo còn quan trọng hơn. Đây là trách nhiệm rất lớn của Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Công an, Bộ Xây dựng hay Bộ TN&MT trong hoàn cảnh hiện nay khi mà lừa đảo BĐS xảy ra ở khắp nơi, với những hình thức ngày càng tinh vi.

“Vụ án khởi tố lừa đảo ở Công ty Địa ốc Alibaba là một điển hình rất lớn, vì báo chí truyền thông đã cảnh báo 3, 4 năm song, kết quả vẫn có hàng nghìn nhà đầu tư bị lừa đảo, với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thực tế hiện nay, trên thị trường BĐS cũng đang tồn tại vô số DN Alibaba khác ở khắp nơi mà cơ quan chức năng chưa thể “sờ” tới vì chưa đủ các yếu tố để khởi tố. Vì vậy, bài học rút ra là phải cảnh báo để dập tắt rủi ro” – ông Nguyễn Văn Đực phân tích.

Các chuyên gia nhấn mạnh, chính quyền địa phương phải cùng cơ quan chức năng phát huy tối đa trách nhiệm trong việc bảo đảm cung cấp, công bố thông tin về dự án, quy hoạch sớm, phù hợp để người tiêu dùng, nhà đầu tư hiểu rõ. Từ đó, ngăn chặn các DN kinh doanh BĐS bát nháo, sử dụng chiêu trò như tổ chức sự kiện giao dịch giả tạo, kinh doanh theo kiểu đa cấp biến tướng, lợi dụng tâm lý đám đông để làm giá, thổi giá đất khiến nhiều người mắc bẫy.

“Trong bối cảnh thị trường BĐS ngổn ngang với tình trạng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư giao dịch thì một số địa phương đã lên tiếng kịp thời, chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi thổi giá BĐS để trục lợi như các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk… Cách làm này cần nhân rộng đến nhiều địa phương khác trên cả nước” – ông Nguyễn Văn Đực đề xuất.

 

Cần thiết phải đánh thuế thu nhập cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư lướt sóng trong trường hợp thị trường BĐS có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng "bong bóng". Đồng thời, xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu

 

 

Dự án "ma" là những dự án không có thật, chỉ tồn tại trên giấy, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt hay còn được hiểu là những dự án không có thật. Một trường hợp khác là những dự án đã được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhưng không đủ điều kiện bán, song chủ đầu tư vẫn thực hiện việc bán. Tất cả những dự án này đều không được phép thực hiện giao dịch mua bán mà chỉ do những kẻ có mục đích trục lợi tiến hành giao dịch trái phép.

Vì vậy, người dân nếu có nhu cầu đầu tư BĐS thì phải tỉnh táo, đừng hám lợi khi đọc thông tin về rao bán nhà đất trên mạng với vị trí tốt nhưng giá quá rẻ, phải tự nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia vào thị trường, đầu tư BĐS.

Giám đốc Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, TS Sử Ngọc Khương