>>>> Chân dung các Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (Phần 1)
Đại tướng Phạm Văn Trà
Đại tướng Phạm Văn Trà sinh năm 1935 tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông nhập ngũ năm 1953, được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam) năm 1956.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ 1964-1975 ông chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, giữ các chức vụ từ tham mưu trưởng tiểu đoàn đến trung đoàn trưởng.
Sau giải phóng, từ tháng 12 năm 1975 đến năm 1977 ông là tham mưu trưởng Sư đoàn 4, rồi là sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng sư đoàn 330, Quân khu 9. Tháng 9/1978, ông được cấp trên điều đi học tại Học viện Quân sự cấp cao. Tháng 8/1980, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, chỉ huy sư đoàn làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Tháng 3/1983 ông là Phó Tư lệnh Mặt trận 979.
Từ năm 1985-1993, ông giữ chức Tư lệnh Quân khu 3. Đến tháng 12/1993, ông được cử làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tới tháng 12/1993, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung Tướng.
Từ tháng 12 năm 1997 đến năm 2006, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông được phong hàm Đại tướng năm 2003. Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII,VIII, IX, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI.
Trung tướng Đào Trọng Lịch
Trung tướng Đào Trọng Lịch sinh năm 1939 tại xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nhập ngũ năm 1957, được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam năm 1960.
Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1964-1972 ông trưởng thành từ chiến sĩ đến tham mưu phó trung đoàn thuộc sư đoàn 316, tham gia các chiến dịch: Thượng Lào (Cánh Đồng Chum, 1964-1965), Quyết thắng (Nậm Bạc, Bắc Lào, 1968-1969), Toàn Thắng (Cánh Đồng Chum, 1969-1970), Mặt trận 31 (Cánh Đồng Chum, 1970-1971) và chiến dịch 74B (Cánh Đồng Chum, 1971-1972).
Năm 1974, ông giữ chức trung đoàn trưởng trung đoàn 174, sư 316 tham gia chiến dịch Tây Nguyên (3/1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975). Năm 1981-1984, ông là phó sư đoàn trưởng sư 316, Quân đoàn 29 rồi sư trưởng sư 316, Quân khu 2. Tháng 8/1987, ông là chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu.
Năm 1991-1992, ông được bổ nhiệm làm phó tư lệnh tham mưu trưởng rồi tư lệnh Quân khu 2. Tháng 1/1994, ông là Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 4/1997 là phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1997-5/1998, ông là thứ trưởng Bộ quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự trung ương (11/197).
Trung tướng Đào Trọng Lịch mất trong vụ tai nạn máy bay tại Xiêng Khoảng, Lào ngày 25/5/1998.
Đại tướng Lê Văn Dũng
Đại tướng Lê Văn Dũng sinh năm 1945 tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông nhập ngũ năm 1963, được kết nạp vào Đảng năm 1965.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ 1963-1975 ông chiến đấu liên tục ở chiến trường miền Đông Nam Bộ , trưởng thành từ chiến sĩ đến phó chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975) và giải phóng Campuchia (1979).
Năm 1983-1987, ông là phó sư đoàn trưởng, tham mưu trưởng, rồi sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Từ tháng 5/1988, ông được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Quân đoàn 4. Tháng 3/1990, ông là phó tư lệnh tham mưu trưởng Quân khu 7. Tháng 9/1991, ông là tư lệnh Quân đoàn 4. Tháng 8/1995, ông giữ chức tư lệnh Quân khu 7.
Tháng 12/1997, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tháng 9/1999-4/2001, ông là thứ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tới tháng 5/2001, ông là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông được phong hàm Đại tướng năm 2007.
Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt nam khóa VIII, IX và X, bí thư trung ương Đảng khóa IX và X, Đại biểu Quốc hội khóa XI.
Đại tướng Phùng Quanh Thanh
Đại tướng Phùng Quanh Thanh sinh năm 1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1967 và được kết nạp Đảng năm 1968.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ 1967-1971 ông trưởng thành từ chiến sĩ đến đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Tháng 6/1971, ông được cấp trên cử đi học ở Trường sĩ quan lục quân. Năm 1972, ông được giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.
Tháng 8/1974, ông tiếp được được điều đi học ở Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân). Năm 1977, ông là Tham mưu trưởng trung đoàn, trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Tháng 12/1983, ông là phó sư đoàn trưởng phụ trách sư đoàn trưởng Sư 390 rồi Sư trưởng Sư 312, Quân đoàn 1. Năm 1989, ông đi học ở Học viện Voroshilov (Liên Xô), năm sau về nước ông học tại Học viện Quân sự cấp cao.
Năm 1991, ông là Sư đoàn trưởng Sư 312, Quân đoàn 1. Tháng 9/1993, ông là phó cục trưởng, tới tháng 6/1995 là cục trưởng cục tác chiến Bộ tổng tham mưu. Tháng 8/1997, ông tiếp tục đi học tại Học viện chính trị quân sự. Từ tháng 12/1997, ông giữ cương vị tư lệnh Quân khu 1.
Tháng 5/2001, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung Ương. Năm 2007, ông được phong quân hàm Đại tướng.
Ông cũng là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa IX, X và XI, Ủy viên Bộ chính trị khóa X, XI, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII và XVIII. Ông được nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương.
Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên
Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên sinh năm 1951 tại xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Năm 1969, ông nhập ngũ và tới năm 1972 được kết nạp vào Đảng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ tháng 1/1971-3/1975, ông lần lượt được phân công giữ chức vụ Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975) trên cương vị trợ lý tác chiến Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.
Sau giải phóng, từ năm 1976-1982, ông được cử đi học tại Trường Quân chính Quân đoàn 1 và sau đó được phân về giữ các chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 rồi Tham mưu phó, Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 48, Sư 320B, Quân đoàn 1. Năm 1982, ông là Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 48, Sư 390, Quân đoàn 1.
Năm 1996, ông là Phó tư lệnh Kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 1. Năm 1997 , ông được thăng làm Tư lệnh Quân đoàn 1. Năm 1998, ông được cử làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2. Sang năm 2001, ông là tư lệnh Quân khu 1. Năm 2002, ông chuyển sang làm tư lệnh Quân khu 5.
Năm 2004, ông được phân làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 2006, ông trúng cử Ủy viên khóa X, Ủy viên thường vụ Đảng Ủy Quân sự Trung Ương. Năm 2006, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 2007, ông được thăng hàm Thượng tướng và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII.
Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên mất ngày 13/11/2010 tại Viện quân y 108.
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ sinh năm 1954 tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Ông nhập ngũ năm 1972, trưởng thành từ chiến sĩ lên sĩ quan cao cấp, công tác tại Quân khu 2.
Ông được cử đi học và tốt nghiệp Học viện Lục quân, sau đó tốt nghiệp Đào tạo chỉ huy Tham mưu Cao cấp Binh chủng hợp thành khóa 12 (1992-1994) tại Học viện Quốc phòng Việt Nam. Ông được điều động trở lại Quân khu 2 và lượt lượt giữ chức vụ: Sư đoàn phó, Sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, Tham mưu phó Quân khu 2, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2.
Năm 2006, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa X. Năm 2007, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 2, hàm Trung tướng. Năm 2010, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 2011, ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ướng khóa XI, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.