Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển nền văn hoá trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Loan Tú - Tấn Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/11, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tiếp tục diễn ra. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu T.Ư (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.

Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các Ban Đảng của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Sở, ban, ngành của TP.
 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

Mở đầu phiên bọp buổi chiều, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã phát biểu định hướng: “Sáng nay, chúng ta đã nghe các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị đã có đánh giá hệ thống, cơ bản và phong phú về những kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Chúng ta đã làm rõ những vấn đề từ lý luận, thực tiễn; về vai trò của văn hoá trong sự phát triển bền vững của đất nước. Đã nghiên cứu, thảo luận về những thành tựu, hạn chế trong sự phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Xác định những nội dung cụ thể, đề xuất những kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực, để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra".

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đặc biệt những ý kiến phát biểu chỉ đạo với cả tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những cụ thể hoá đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng mà còn nhiều vấn đề mang tầm chiến lược. Năm lần trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến cụm từ: “Chấn hưng, phát triển văn hoá đất nước”. Trong thời kỳ đổi mới có thêm một vấn đề chúng ta phải cụ thể hoá đó là “Chấn hưng, phát triển nền văn hoá trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”.

Chiều nay, với tinh thần tiếp tục phát huy những thành công và tâm huyết cuộc họp buổi sáng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tham gia Hội nghị tập trung thảo luận và làm rõ những vấn đề:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị. Tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về vai trò của văn hoá trong sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hoá; Chuyển hoá nhận thức thành hành động; đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát triển sâu rộng, thực chất, thực sự là phong trào tự nguyện, tự giác của người dân, từng gia đình, tập thể cộng đồng.

Đội ngũ Đảng viên, cán bộ công chức viên chức phải nêu gương trong việc thực hiện văn văn hóa đạo đức, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống cũng vận động của xã hội, mọi lĩnh vực sinh hoạt, quan hệ con người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của XHCN và soi đường cho quốc dân đi.

Hội nghị tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ thành tựu, hạn chế trong thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối chủ trương phát triển của Đảng, bằng đường lối pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo môi trường điều kiện thuận lợi, khơi dậy tinh thần, cống hiến, đổi mới sáng tạo của Nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá nhất là môi trường văn hoá đoàn kết dân chủ, kỷ cương, trọng tâm là môi tường văn hoá lành mạnh, phát huy giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục, gia đình, cộng đồng và xã hội, chú trọng trong hoạt động bảo vệ phát huy di sản dân tộc nói chung và một số lĩnh vực khác của văn hoá nói riêng như: Phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hóa, phát huy vai trò truyền thông, chủ động hội nhập hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá.

Tham gia các giải pháp trước mắt và lâu dài, xây dựng đội ngũ cán bộ làm văn hoá và đội ngũ văn nghệ sĩ tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước. Công tác lãnh đạo, quản lý văn hoá phải có đội ngũ chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn, có khả năng quy tụ, vận động và thuyết phục các tầng lớp Nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia phát triển con người, cần có kế hoạch, khoa học, đào tạo kỹ lưỡng, có chọn lọc, bố trí hợp lý nhằm chống lại thiếu hụt cán bộ văn hoá.
 Quang cảnh tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. 
10 giải pháp trong Chiến lược về phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã nêu: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã hoạch định đường lối đất nước đến năm 2030 – tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2045 đất nước ta trở thành đất nước công nghiệp phát triển. Đại hội cũng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước 10 năm. Từ đó để tập trung thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng. Nhất là sáng nay, chúng ta hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hoá, nhất là điểm mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII đề ra về lĩnh vực văn hoá đòi hỏi các cấp, các ngành, cơ quan quản lý về văn hoá cần cụ thể hoá các quan điểm này, xây dựng các chương trình và tham mưu, ban hành các chính sách. Với trách nhiệm của mình, Bộ VHTT&DL được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là sớm cụ thể hoá chiến lược về kinh tế, xã hội, phát triển đất nước gắn với chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và chiến lược văn hoá đối ngoại.

Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và địa phương tiến hành xây dựng chiến lược và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ban hành Quyết định số 1909 ngày 12/11 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030.

Chiến lược tập trung thể hiện 5 quan điểm lớn. Thực chất, 5 quan điểm này là tiếp tục cụ thể hoá quan điểm ghi trong Nghị quyết XIII rõ hơn, sâu hơn, và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay trên cơ sở các quan điểm chung.

 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 

Quan điểm thứ nhất là định hình văn hoá, xác định vị trí của văn hoá. Trong đó khẳng định, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Văn hoá phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hoà với kinh tế, chính trị. Đảm bảo yếu tố văn hoá và con người trong phát triển kinh tế để thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và trước sự tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Quan điểm thứ 2 là xây dựng, phát triển văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng cộng đồng văn hoá dân tộc; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hoá giữ vai trò nòng cốt.

Quan điểm thứ 3 là phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng cho con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Quan điểm thứ 4 là phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn nhân lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

Quan điểm thứ 5 là chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm của văn hoá, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Từ quan điểm đó, Chiến lược đặt ra 4 mục tiêu chung và 8 mục tiêu cụ thể. Trong đó 4 mục tiêu chung. Mục tiêu đầu tiên là xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển con người Việt Nam toàn diện. Mục tiêu thứ 2 là xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mục tiêu thứ 3 là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hoá gắn liền với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá có tiềm năng. Mục tiêu thứ 4 là có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hoá, con người.

Về nhiệm vụ giải pháp, trong Chiến lược đặt ra 11 nhiệm vụ giải pháp chính gồm: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển văn hoá; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khuôn khổ phát lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc; Hoàn thiện cơ thế thị trường trong lĩnh vực văn hoá, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá; Phát huy hiệu quả các nguồn nhân lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hoá.

Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa

GS.TS Lê Hồng Lý - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá, trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hoá truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hoá đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hoá nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu T.Ư chiều ngày 24/11

Theo đại diện Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Cần phải hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được, mà cái động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống trở thành gien di truyền văn hoá trong mỗi con người.

Văn hoá là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó. Tạo cho con người sự bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, có như vậy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho họ. Và như thế sẽ không còn chuyện chạy theo bằng cấp, danh hiệu, chức danh hay những thành tích ảo, tạo nên những hàng giả, hàng nhái, thiếu chất lượng trong xã hội. Bên cạnh đó, vấn đề pháp luật, kỉ cương phải được đề cao, đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và phải thật nghiêm minh. Một vấn đề hết sức quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay đó là văn hoá làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp.

Nếu nhìn văn hoá một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy văn hoá có mặt ở tất cả những gì liên quan đến con người và trong tất cả mọi lĩnh vực.  Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội động lực văn hoá và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn.

Khi hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá đề có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá, mà không chỉ thuần tuý ở trong một ngành nghề nào. Từ đó mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hoá đối với sự phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta.

Giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hoá

Những năm qua, những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Các nhà làm điện ảnh quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Mặc dù đổi mới về thể chế đã tạo nên sự thay đổi tích cực trong quá trình chuyển hóa các tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên thành những thành tố tạo sức thu hút, hấp dẫn văn hóa. Nhưng với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút thị trường văn hóa trong và ngoài nước vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, để phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ CNVH, từ góc độ thể chế, Việt Nam cần xác định 5 giải pháp phát triển CNVH.

Trong đó, giải pháp đầu tiên là “Kiện toàn khung khổ thể chế, chính sách”. Cụ thể, việc hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho CNVH phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Đồng thời, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về: Điện ảnh, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ, quảng cáo... Hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành CNVH.

Giải pháp thứ 2 là “Hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành CNVH”. Giải pháp này chú trọng các nội dung như: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thị trường văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo hệ sinh thái thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; Xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, DN hoạt động trong lĩnh vực văn hóa…

Trong giải pháp thứ 3 về “Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực CNVH”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa chỉ chú trọng tới đầu tư của Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Do đó, muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, xây dựng một cơ chế đầu tư tương xứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam buộc phải giải quyết hiện tượng “thắt cổ chai” về vốn đầu tư. Song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành CNVH đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài 3 giải pháp trên, giải pháp về “Đầu tư phát triển hạ tầng các ngành CNVH” sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực quyền lực mềm, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa.

Giải pháp cuối cùng được PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ là “Đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNVH”.

Tại Hội nghị các đại biểu đại diện Hội Văn học nghệ thuật, Tổng Cục du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiếp tục có những đóng góp, phát biểu tham luận để cùng bàn về mục tiêu, tìm ra giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Phấn đấu mỗi cán bộ, Đảng viên là những tấm gương về văn hóa
 Phó Thủ phát biểu phiên bế mạc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào chiều ngày ngày 24/11

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nhiều năm nay những người làm công tác quản lý văn hoá, giới văn nghệ sĩ, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trông đợi có một hội nghị toàn quốc nhìn nhận lại vai trò của văn hoá, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những thành quả đã đạt được, cũng như thiếu sót để thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động nhằm chấn hưng và phát triển văn hoá dân tộc.

Với nhiều nội dung, nhiều công việc phải làm thường xuyên, liên tục, Phó Thủ tướng nêu một vài điểm để trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hoá thời gian tới.

Trước hết, chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hoá, khắc phục tình trạng “dù đã nói quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chủ trương, chỉ thị văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hoá nhưng quá trình thực hiện còn yếu kém hay hạn chế về nguồn lực”, thể hiện ở thời lượng, thời gian lãnh đạo dành cho công tác văn hoá, nguồn lực, con người làm văn hoá.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều nơi, do sức ép về tăng trưởng trong khi công tác văn hoá, xã hội về ngắn hạn không làm ra tiền nên chưa được đặt ngang bằng với kinh tế. Trong giải quyết các vấn đề văn hoá, xã hội, ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người hoạt động thực tiễn lâu năm chưa được tôn trọng đúng mức, dẫn đến việc ra những quyết định chưa đúng của người có trách nhiệm, cũng như sự mai một, hụt hẫng của đội ngũ, chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hoá.

Phó Thủ tướng cho biết các tổ chức quốc tế gần đây khi nói đến khái niệm phát triển bền vững không chỉ đề cập đến bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng xã hội, phát triển bao trùm mà còn bao hàm cả văn hoá, xã hội.“Khi đã nhận thức triệt để những vấn đề mang tính sống còn đối với đất nước, dân tộc thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm mọi cách để thực hiện, dồn mọi nguồn lực cả về thời gian, tiền bạc, công sức để làm cho bằng được” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng cần nhìn nhận đúng những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực văn hoá, xã hội gắn với chính trị, kinh tế, luật pháp, con người... góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.

Việc thực hiện Chiến lược phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống được tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Trong kỷ nguyên mới của khoa học, công nghệ, hội nhập sâu rộng,… văn hoá Việt Nam tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện không còn phù hợp.

Về xây dựng con người, Phó Thủ tướng nêu rõ mối quan hệ giữa con người và văn hóa, trong đó phải nhắc đến vai trò quan trọng của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trên tinh thần cầu thị và kiên trì. Cùng với đó là văn hóa làm gương, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, người làm văn hóa từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài... phải phấn đấu thành những tấm gương về văn hóa.

Phó Thủ tướng mong muốn tất cả các cấp, ngành, bằng hành động cụ thể để chú trọng hơn và dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn cho văn hóa; lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu và những người hoạt động thực tiễn, người có kinh nghiệm trước khi đưa ra các quyết định, bởi văn hóa có trong mọi lĩnh vực đời sống.

Các cấp, ngành, địa phương cùng với Bộ VHTT&DL cần có nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, chắc chắn, từng bước một, lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị, truyền thống của dân tộc Việt Nam, tự hào, tự tôn dân tộc, để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân; để nền văn hóa Việt Nam bừng sáng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại.