Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chặn ngay nạn mua bán tài khoản ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và thiết bị điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp.

Giúp sức cho loại tội phạm này nhận và tẩu tán số tiền chiếm đoạt được là các đối tượng thu thập, mua bán thông tin, tài khoản cá nhân đang là vấn đề đáng báo động.

Tiền lừa đảo qua mạng “một đi không trở lại”

Hiện nay, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao không ngừng đưa ra các chiêu trò mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhắm tới nạn nhân là người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là những người có tài khoản ngân hàng…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công an các tỉnh, TP cũng đã cảnh báo, lợi dụng tâm lý của những người muốn kiếm thêm thu nhập để có chi phí trang trải, một số đối tượng đã thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người đã “sập bẫy”.

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản ngân hàng do mua của người khác để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại bằng nhiều phương thức khác nhau.

Thực tế, nhiều nạn nhân ngay sau khi biết mình bị lừa chuyển tiền vào tài khoản lạ, đã liên hệ với ngân hàng (nơi mở tài khoản), yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản hoặc chặn việc giao dịch.

Tuy nhiên, kẻ gian thường "tẩu tán" tiền rất nhanh sang nhiều tài khoản khác chỉ vài phút ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền. Khi cơ quan công an xác minh thì những tài khoản ngân hàng đó đều là những tài khoản ảo (mua, thuê, ăn cắp thông tin cá nhân để làm giả tài khoản…).

Những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài, khi lừa xong nạn nhân chúng chỉ cần khóa tài khoản thì coi như vô phương tìm kiếm. Hoặc tiền được chia nhỏ, sử dụng để mua hàng hóa điện tử tại các trang thương mại của nước ngoài hoặc chuyển tiền vào ví điện tử mua thẻ cào điện thoại, thẻ game... chứ không rút tiền mặt.

Gom mua bán tài khoản, tiếp tay cho lừa đảo

Từ đầu năm đến nay, cơ quan công an liên tiếp điều tra, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây tạo lập, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp. Xuất phát từ quy định của pháp luật không hạn chế cá nhân mở, sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc do quy định có nhiều thuận lợi trong việc mở tài khoản, từ đó, nhiều người đã thực hiện việc mua, bán tài khoản ngân hàng.

Chỉ cần số tiền từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu, đối tượng lừa đảo có thể “mua đứt” một tài khoản. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ATM ngân hàng… cho đối tượng.

Các đối tượng này cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người bán để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn cho thuê tài khoản với mức phí theo từng tháng hoặc 5 - 10% số tiền mỗi lần giao dịch để từ đó thực hiện hành vi phạm tội.

Những kẻ săn lùng mua tài khoản ngân hàng hay nhắm đến dụ dỗ công nhân, sinh viên, người có thu nhập thấp, những người ở vùng sâu, vùng xa, người thiếu hiểu biết về pháp luật thực hiện đăng ký tài khoản sau đó bán lại. Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn khi những tài khoản do mua mà có tiếp tục được "sang tay". Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong khâu "truy vết" kẻ gian.

Một số người lầm tưởng chuyện mua, bán tài khoản này là vô hại nên thiếu đề phòng. Một số người vì tham chút tiền mà tiếp tay kẻ gian trong các kiểu lừa tiền qua mạng và nhận tiền qua tài khoản. Không chỉ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những trường hợp có ý đồ đánh bạc, rửa tiền cũng hay lợi dụng số tài khoản người khác để đăng ký trong giấy phép kinh doanh, giao dịch với "đối tác".

Phạt tới 100 triệu đồng với người cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản

 

Hiện nay các ngân hàng đều cho mở tài khoản online và xác thực người dùng thông qua các ứng dụng eKYC (định danh điện tử). Ngân hàng cần khẩn trương kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, khi xác thực thông tin sẽ đối chiếu với thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó phát hiện các trường hợp giả mạo.
Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS Vũ Ngọc Sơn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. NHNN nhấn mạnh, Nghị định 152/2024/NĐ-CP về thanh toán không tiền mặt nghiêm cấm cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán... Chủ tài khoản thanh toán không được cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản thanh toán.

Trường hợp cho thuê, cho mượn, mua bán từ 1 đến dưới 10 tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán sẽ bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Phạt từ 50 - 100 triệu đồng nếu thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong số hàng vạn tài khoản ngân hàng được mua bán bị phát hiện, cũng có rất nhiều tài khoản “ma” được tạo ra từ những thông tin cá nhân bị đánh cắp và nạn nhân không hề biết sự tồn tại của những tài khoản đứng tên họ.

Từ 1/7, sẽ phải xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến (trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng) và đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Dữ liệu sinh trắc học này phải kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Bước đầu là đảm bảo đúng nhân thân, tiếp đến là đối chiếu xem người mở và người dùng tài khoản có khớp không. Việc này nhằm bảo đảm chính chủ đang thực hiện giao dịch này. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa hình thức lừa đảo trực tuyến.”- Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng khuyến nghị, các tổ chức tín dụng, trung tâm trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai công nghệ anti-deepfake. Điều này nhằm chống các đối tượng lừa đảo giả mạo khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản, bảo đảm khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, nan giải nhất là nạn cho thuê, cho mượn tài khoản để nhận tiền lừa đảo, sau đó đối tượng lừa đảo chuyển tiền đi vòng qua nhiều tài khoản để chiếm đoạt.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bên cạnh việc siết chặt hoạt động quản lý tài khoản ngân hàng; tăng chế tài xử phạt về hành chính cũng như hình sự đối với loại tội phạm này. Các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho người dân nhận thức rõ việc sử dụng thông tin cá nhân của bản thân để mở tài khoản ngân hàng sau đó mua bán, cho thuê, mượn là vi phạm pháp luật và có thể liên đới xem xét xử lý hình sự. Người dân tuyệt đối không cung cấp, thuê, cho thuê, cho mượn, mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử… cho các đối tượng khác dưới mọi hình thức.

“Thêm vào đó, hiện còn vấn đề khác là một sim điện thoại đang được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng, do vậy cũng phải xác minh lại. Bộ TT&TT cũng cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết sim không chính chủ, qua đó chung tay với ngành ngân hàng để giải quyết nạn thuê, mua, bán tài khoản” - luật sư Nguyễn Văn Đồng bày tỏ.

 

Người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật. Trong nhiều trường hợp, chủ tài khoản có thể bị coi là đồng phạm với đối tượng hoặc sẽ bị xử lý về "Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy định tại Điều 291 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội