Chăn nuôi giảm sản lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương vừa thông báo, rét đậm sẽ kéo dài ít nhất 10 ngày nữa, đến khoảng 25/1.

KTĐT - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương vừa thông báo, rét đậm sẽ kéo dài ít nhất 10 ngày nữa, đến khoảng 25/1.

 

Hôm nay 17/1 và 20 - 21/1, sẽ có thêm 2 đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp. Do vậy, đợt rét này ở các tỉnh miền Bắc còn kéo dài ít nhất đến ngày 25/1/2011. Còn theo Cục Chăn nuôi, đã có gần 7 nghìn trâu bò chết trong mùa rét năm nay.

 

Rét đậm, rét hại kéo dài suốt gần 1 tháng nay đang khiến người chăn nuôi ở các huyện ngoại thành Hà Nội đứng ngồi không yên bởi vừa lo chống rét cho đàn vật nuôi, vừa sốt ruột vì năng suất thịt, trứng, sữa đều giảm đáng kể .

 

Đàn gia súc, gia cầm và thủy sản liêu xiêu vì rét

 

Tại vùng nuôi thủy sản xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì hơn 20 ngày nay, thương lái thu mua cá đã tăng lượng đặt hàng lên đáng kể. Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đông Mỹ, huyện Thanh Trì: hiện giá thu mua các loại cá như chép, trôi, mè... đã tăng lên 15-25% so với thời điểm đầu tháng Chạp. Tuy vậy, do thời tiết quá rét, người nuôi cá sợ nếu đánh bắt không khéo sẽ bị ảnh hưởng tới số cá còn bé nên không dám đánh bắt nhiều. Trong khi đó, do trời quá rét, cá không thể lên ăn nên tốc độ phát triển của cá cũng chậm hẳn. Để chống rét cho cá, người nuôi trồng thủy sản ở Đông Mỹ đã tiến hành làm giàn, che bạt ni lon phủ lên ao trong những ngày trời rét đậm để tăng khả năng giữ nhiệt cho hệ thống ao.

 

Không chỉ nuôi cá bị giảm sản lượng mà người nuôi bò sữa ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm... cũng đang lo lắng vì trời rét đậm, rét hại kéo dài khiến cho sản lượng sữa bò tươi thu được hàng ngày giảm hẳn. Ông Nguyễn Đình Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, huyện Ba Vì cho biết: cả xã đang có tới hơn 1.200 con bò sữa với sản lượng sữa tươi đạt hơn 10 tấn/ngày. Do trời rét đậm, rét hại kéo dài sức khỏe của đàn bò sữa bị giảm ảnh hưởng. Đặc biệt, lượng sữa tươi cũng bị giảm khoảng 10-20% so với những ngày nhiệt độ môi trường ở trên 15 độ. Theo kinh nghiêm và theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp người chăn nuôi ở đây đã che chắn kỹ chuồng trại, " mặc áo" cho bò, thắp đèn điện sưởi ấm chuồng bò, tăng thêm lượng thức ăn tinh, giàu đạm, vitamin và thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, để giúp đàn bò sữa không bị ốm, chết vì rét.

 

Giá rau tăng liên tục, nhưng vẫn đủ

 

Trong khi đó, rét đậm kéo dài đẩy giá rau xanh tăng từ 10 - 50%. Tuy nhiên phía các nhà cung cấp và sản xuất rau đã khẳng định rau Tết chắc chắn sẽ đắt, nhưng không lo thiếu.


Theo các tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên, trời rét kéo dài khiến rau phát triển chậm, lá rau cũng không được to như trong tháng 12… khiến giá rau xanh những ngày qua bị đẩy lên liên tục. Tuần qua, giá rau tăng từ 10% - 20%. Cải chip giá bán buôn từ 7.000 đồng/kg - 8.000 đồng/kg, cải bắp tăng từ 5.000 đồng/kg - 6.000 đồng/kg… Các loại rau xanh khác như hành hoa, rau cần cũng tăng mỗi mớ khoảng 2.000 đồng.

 

Tại chợ Thịnh Quang, giá rau muống 5.000 đồng/mớ, rau cần 7.000 đồng/mớ, mức giá này đã tăng từ 15% so với mấy ngày trước đó.


Theo nhận định của các tiểu thương chợ đầu mối Dịch Vọng, giá rau xanh có thể sẽ tiếp tụctăng trong những ngày tới, khi thời tiết giá rét có thể kéo dài. Hiện, tại chợ đã có dấu hiệu khan hàng. Tuy vậy, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Duy Hồng lại cho rằng : "Theo quy luật thị trường, trong những ngày Tết chắc chắn giá rau sẽ tăng, nhưng không thiếu vì rau ở các vùng quanh Hà Nội là rau vụ đông, nên cho dù trời rét rau cũng không chết, không lo thiếu. Hiện nay, một ngày Hà Nội cung cấp khoảng 2.000 tấn rau cho thị trường, đáp ứng 60% nhu cầu. Số còn lại lại là rau được đưa đến từ các địa bàn khác như Bắc Ninh, Hải Dương…".

 

Điều này cũng được người trồng rau tán đồng. Bà con trồng rau tại thôn Tây Tựu, Từ Liêm, cho biết chỉ cần vài hôm trời nồm, rau lên nhanh giá lại giảm ngay thôi. Hơn nữa, theo kinh nghiệm các năm, khi thị trường Hà Nội khan hàng, rau ở các tỉnh sẽ nhanh chóng đổ về nên không sợ thiếu. Chị Lê Thị Năng - chủ một vườn rau tại thôn Tiền Phong (xã Mê Linh) -một trong những vựa rau của Hà Nội, cũng khẳng định: "Dịp Tết không bao giờ thiếu rau. Cơ điều rau bán trong ngày Tết, dù như thế nào vẫn đắt hơn ít nhất là gấp đôi ngày thường, vì tâm lý ngày Tết phải đi chợ thì chắc chắn người bán sẽ bán đắt hơn".