Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi nhỏ lẻ: Hiểm họa lây bệnh sang người

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm gần đây, tình hình lây lan dịch bệnh từ động vật sang người diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, nguyên nhân chính là do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân.

 Tiêm phòng dại cho chó, mèo ngăn chặn nguy cơ lây bệnh dại sang người. Ảnh: Phương Nga
Gia tăng nguy cơ
Những năm qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc, gia cầm luôn đứng ở top đầu cả nước về đầu con và sản lượng. Song song với việc phát triển, thực tế chăn nuôi cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó dịch bệnh động vật ngày càng gia tăng. Nhiều dịch bệnh xuất hiện, tái xuất hiện đã làm thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi, đặc biệt nguy hiểm hơn đó là nhiều dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây nhiễm sang người, làm số người mắc bệnh và dẫn tới tử vong tăng lên.

Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết: Theo thống kê, hiện có trên 200 bệnh truyền lây từ động vật sang người. Những bệnh nguy hiểm tồn tại từ nhiều năm trước đến nay vẫn đang đe dọa tính mạng con người như cúm gia cầm, bệnh dại, cúm lợn, giun xoắn, viêm não Nhật Bản... Trong thời gian gần đây cũng xuất hiện một số bệnh mới như viêm não do virus Nipal, bệnh SARS... Đây là những bệnh lây lan trực tiếp từ động vật sang người qua môi trường tiếp xúc, qua véc tơ, qua đường ăn uống.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người là do tập quán chăn nuôi lạc hậu của người dân. Hiện nay người dân chủ yếu vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà nào cũng nuôi gà, nuôi chó, thậm chí trâu, bò ngay cạnh nhà, trong khi điều kiện vệ sinh kém đã tạo môi trường cho dịch bệnh phát triển và lây lan. Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh lây qua véc tơ. Trong năm 2017, Hà Nội có 38.070 người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 7 ca tử vong, 9 ca viêm não do vi rút, 4 ca viêm não Nhật Bản. Hà Nội còn có nguy cơ mắc một số bệnh lây qua véc tơ như sốt rét, Zika, sốt Chikungunya…

Ngoài ra, sở thích nuôi chó, mèo cảnh trong nhà, đặc biệt thói quen thả rông chó, mèo cũng là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh nhiễm từ động vật sang người, đe dọa tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Một số bệnh thường gặp như bệnh dại, nhiễm ấu trùng giun đũa. Thói quen ăn uống như ăn tiết canh, nem, gỏi, thịt sống... cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mắc các bệnh nguy hiểm như liên cầu lợn, sán, cúm A (H5N1).

Quy hoạch lại chăn nuôi

Trước sự gia tăng các bệnh chung giữa động vật và người, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các ban, ngành. Trong đó, ngành thú y giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y, ATTP.
Để làm tốt việc này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Chi cục sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; Tăng cường giám sát dịch bệnh trên động vật trong quá trình nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật; Quy hoạch lại chăn nuôi theo hướng tập trung, đẩy mạnh chăn nuôi theo liên kết chuỗi.

Song song với đó, người dân cũng cần chủ động thay đổi tập quán chăn nuôi, kiểm soát các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi khoa học, quan tâm vệ sinh môi trường, chuồng trại… Không được giết mổ gia súc, gia cầm bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa chế biến kỹ, sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.