Tiết canh lợn: món “khoái khẩu” tiềm ẩn mầm bệnh chết người
Kinhtedothi - Dù các chuyên gia đã liên tục lên tiếng cảnh báo về những mối nguy hại khôn lường, đặc biệt là nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, nhưng thực tế, các cơ sở y tế vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng do ăn tiết canh, để lại những hậu quả đáng tiếc.
Chùm ca bệnh nguy kịch do ăn tiết canh lợn
Mới đây, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận 3 ca bệnh, trong đó có 1 trường hợp nguy kịch phải thở máy chuyển đến từ BV Đa khoa Thái Bình.
Sau khi được điều trị tích cực tại Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai, 3 bệnh nhân trong chùm ca bệnh do ăn tiết canh lợn ở Quỳnh Phụ, Hưng Yên, sức khoẻ tốt hơn, có người đã được ra viện. Theo khai khác thông tin từ bệnh nhân và người nhà, các trường hợp này đều ăn tiết canh lợn trước đó cùng với bạn tại 3 quán ăn gần nhau, đều lấy nguồn lợn từ một lò mổ; có 2 trường hợp tử vong tại cơ sở y tế với biểu hiện ban đầu sốt, đi ngoài phân lỏng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai cùng các bác sĩ hội chẩn ca bệnh 63 tuổi. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân thứ nhất (nam, 63 tuổi), vào viện với biểu hiện co giật, hôn mê, thở máy qua nội khí quản được chuyển đến từ BV Đa khoa tỉnh. Trước đó, người đàn ông này cùng khoảng 6 người bạn tụ tập ăn tiết canh lợn tại một quán quen ở Quỳnh Phụ (tỉnh Hưng Yên). Khoảng 1 tuần sau, ông xuất hiện đau gối, mệt mỏi, tụt huyết áp, buồn nôn, gia đình đưa đi truyền nước nhưng không đỡ. Bệnh nhân được chuyển đến BV tỉnh trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, yếu chân tay, co giật.
Tại BV tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não mủ, hôn mê phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao và chuyển lên BV Bạch Mai.
Bác sĩ Hoàng Quốc Thái Bình - Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện đã được đặt ống thở, hôn mê sâu, co giật. Bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn, trên da có đám xuất huyết, nghi ngờ là do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn. Bệnh nhân xét nghiệm dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn, được điều trị kháng sinh, hồi sức tích cực. Sau 36 giờ, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống thở.

Bác sĩ Hoàng Quốc Thái Bình - Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai kiểm tra các vết xuất huyết trên da bệnh nhân. Ảnh: BVCC
“Hai trường hợp còn lại nhẹ hơn tuy nhiên vẫn còn di chứng tai nghe kém, mắt mờ... Bệnh nhân có cơ hội được cứu sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như các bệnh nhân này” – bác sĩ Hoàng Quốc Thái Bình cho hay.
Bệnh nhân thứ 2 (nam, 38 tuổi) phát bệnh sau 3 ngày ăn tiết canh với biểu hiện sốt, đau đầu, đến khám tại BV địa phương. Nhưng khi nghe thông tin về các ca tử vong liên quan đến tiết canh, anh được chuyển thẳng lên tuyến T.Ư. Tại đây, bệnh nhân được xác định mắc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai khám cho bệnh nhân 38 tuổi trong chùm ca bệnh liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân thứ 3 (nam, 43 tuổi) cũng ăn tiết canh cùng với những người trên, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhẹ, được chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng sau ăn tiết canh lợn. Sau 3 ngày điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai, bệnh nhân đã được xuất viện.
Biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không điều trị kịp thời
Tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng ghi nhận rải rác một số bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh, lòng lợn trước đó. Gần đây nhất, bệnh nhân nam N.N.T (63 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, cơ thể xuất hiện nhiều ban tím ở đầu, mặt, tai và tứ chi. 3 ngày trước nhập viện, ông T ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu tại một quán quen.
Bác sĩ Phạm Thanh Bằng – Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt, kích thích, nổi nhiều ban tím ở vùng đầu, mặt, cổ và tứ chi. Bệnh nhân khó thở và nổi vân tím trên da, chi lạnh. Bệnh diễn biến rất nhanh, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng tim. Tuy bệnh nhân tạm thời ổn định nhưng vẫn trong giai đoạn đầu, nguy cơ diễn tiến nặng là rất cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn. Ảnh: BVCC
TS Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư thông tin, đơn vị cũng vừa điều trị cho hai bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn. Cả hai đều trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục để duy trì các chức năng sinh tồn. Trong đó, bệnh nhân nam (30 tuổi, trú tại Hải Phòng) trong tình trạng nguy kịch nghi do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
TS Thân Mạnh Hùng cảnh báo, bệnh liên cầu lợn tiến triển rất nhanh, có thể từ nhẹ chuyển sang nặng chỉ trong vòng 24 giờ, dễ dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho hay, liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) là vi khuẩn nguy hiểm lây từ lợn sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, gây nên bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, vi khuẩn này không có vaccine phòng ngừa.
“Không chỉ vậy, tiết dê, tiết ngan vịt nếu được pha thêm tiết canh lợn, người ăn cũng rất dễ nhiễm bệnh. Việc sử dụng tiết canh, thịt lợn sống, thịt tái, nem chua, thực phẩm không được nấu chín kỹ là nguồn cơn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Nguy cơ không chỉ dừng ở liên cầu khuẩn lợn còn là các loại giun sán, vi khuẩn tạp khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, tập quán ăn uống này cần được loại bỏ”- PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý.

TS Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, triệu chứng của bệnh liên cầu lợn thường gặp gồm: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cứng gáy, ù tai, mất thính lực hoặc hôn mê. Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và tử vong.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ thịt từ những con lợn không rõ nguồn gốc; đeo găng tay, khẩu trang và các phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ hoặc chế biến thịt lợn; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt lợn sống.
Đặc biệt, các gia đình nấu chín kỹ thịt và nội tạng lợn (bao gồm cả tiết canh) trước khi ăn; tuyệt đối không ăn tiết canh hoặc thịt lợn tái, sống; mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Người có vết thương hở trên da cần tránh tiếp xúc với lợn sống hoặc thịt lợn sống. Đặc biệt, khi có triệu chứng nghi ngờ sau khi tiếp xúc hoặc ăn thịt lợn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trích dẫn
Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024. Tại các tỉnh lân cận cũng đã ghi nhận nhiều ca mắc liên cầu lợn và có trường hợp tử vong trong thời gian qua.
CDC Hà Nội

Ăn tiết canh, lòng lợn, một người đàn ông ở Hà Nội nguy kịch
Kinhtedothi - Ngày 9/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư vừa tiếp nhận bệnh nhân nam N.N.T (63 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, cơ thể xuất hiện nhiều ban tím ở đầu, mặt, tai và tứ chi.

Phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn: Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh sống
Kinhtedothi - Bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề. Chuyên gia y tế khuyến cáo, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh nhiễm trùng và điều trị kịp thời để ngăn chặn sự lan truyền của liên cầu khuẩn và giảm thiểu nguy cơ bệnh lý.

Tất niên cùng bạn bè, người đàn ông tử vong do ăn tiết canh lợn
Kinhtedothi - Ngày 25/1, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nam bệnh nhân T.V.H. (50 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh. 3 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè.