Phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn: Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh sống
Kinhtedothi - Bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề. Chuyên gia y tế khuyến cáo, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh nhiễm trùng và điều trị kịp thời để ngăn chặn sự lan truyền của liên cầu khuẩn và giảm thiểu nguy cơ bệnh lý.
Nguy kịch sau ăn tiết canh
Mới đây, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, TP ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, TP ghi nhận 5 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (3/0). Đơn cử, bệnh nhân nữ (72 tuổi, Hát Môn), khởi phát bệnh ngày 24/6 với biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy, nhập Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được chọc dịch não tủy xét nghiệm nuôi cấy dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.
Gần đây, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng đã điều trị cho một bệnh nhân nam (30 tuổi, trú tại Hải Phòng) trong tình trạng nguy kịch nghi do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Bệnh nhân V.Đ.H đã ăn tiết canh lợn khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tím tái toàn thân, tiêu chảy kèm máu. Tại cơ sở y tế ban đầu ghi nhận, anh H tụt huyết áp nghiêm trọng, chỉ còn 60/40 mmHg dấu hiệu cho thấy sốc tuần hoàn nặng. Dù đã được truyền dịch và dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp, nhưng bệnh nhân không đáp ứng.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân H rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng khi máu không đủ để nuôi dưỡng các cơ quan quan trọng như não, tim, gan và thận, có thể dẫn đến suy đa tạng và tử vong nếu không xử trí kịp thời. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tuyến khẩn cấp đến BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư trong tình trạng nguy kịch.. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, lọc máu, thở máy và theo dõi chặt chẽ các chỉ số huyết động, đông máu; chờ kết quả cấy máu xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Lê Sơn Việt – Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng. Ngoài huyết áp tụt sâu, bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu nặng với xuất huyết nhiều nơi như mũi, miệng, dạ dày và dưới da. Đặc biệt, bệnh nhân xuất hiện các ban hoại tử, những vùng da thâm tím, phù nề, đau nhức do vi khuẩn liên cầu lợn tấn công trực tiếp vào mạch máu gây hoại tử mô.

Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn. Ảnh: BVCC
Ban hoại tử đang lan rộng ở tứ chi, kèm theo xuất huyết dưới da, làm tăng nguy cơ hoại tử diện rộng, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan; tiên lượng hiện tại rất dè dặt. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng với xuất huyết nhiều nơi như mũi, miệng, dạ dày và dưới da.
Tương tự, BV cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam T.V.L ( 49 tuổi, trú tại Hưng Yên) trong tình trạng ban xuất huyết hoại tử vùng mặt lan nhanh toàn thân và tập trung chủ yếu ở hai chân, hai tay. Trước đó, ông L đã ăn lòng lợn, sau đó đột ngột sốt cao 40 độ C, rét run, đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng có mùi tanh 6 lần trong ngày. Cơ thể mệt lả, nhức mỏi toàn thân, huyết áp tụt mạnh.
Ông L được nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản, duy trì vận mạch, sau đó chuyển khẩn cấp tới Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Tại đây, ông được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn ở người (Streptococcus suis) – một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể lây từ lợn sang người qua thực phẩm chưa nấu chín hoặc qua vết thương hở.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, xuất hiện ban xuất huyết hoại tử lan rộng toàn thân, đặc biệt ở vùng mặt và tứ chi. Ông L. lập tức được điều trị tích cực bằng kháng sinh, hồi sức dịch, thở máy, lọc máu và truyền các chế phẩm máu cần thiết (khối tiểu cầu, huyết tương tươi). Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân vẫn rất nặng, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Ăn chín uống sôi
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm cảnh báo, bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề như điếc, tổn thương thần kinh hoặc suy đa tạng. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng lợn hay bất kỳ sản phẩm nào từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Khi mua thịt, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh thịt có màu sắc bất thường, dấu hiệu phù nề hoặc xuất huyết. Người tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn cần đeo găng tay, khẩu trang và vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc. Nếu có vết thương hở ở tay chân, cần băng kín bằng gạc không thấm nước trước khi xử lý thực phẩm sống. Ngoài ra, với đồ ăn sẵn mua ngoài hàng, người dân nên chần lại bằng nước sôi hoặc nấu kỹ trước khi ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bệnh liên cầu lợn có thể để lại những di chứng nặng nề như điếc, tổn thương thần kinh hoặc suy đa tạng
“Liên cầu lợn là loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng, thường khởi phát trong vòng 24–72 giờ sau khi xâm nhập cơ thể. Chỉ sau một ngày từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên như sốt, đau bụng, tiêu chảy, bệnh có thể tiến triển rất nhanh đến sốc nhiễm trùng, hoại tử và suy đa tạng” - bác sĩ Lê Sơn Việt cảnh báo.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch. Tuyệt đối không nên ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Nếu sau khi ăn mà có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt, đau đầu, buồn nôn, đi ngoài… cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời” - bác sĩ Lê Sơn Việt khuyến cáo.
CDC Hà Nội lưu ý, người dân ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa nấu chín, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine phòng nên việc ăn chín uống sôi rất quan trọng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết; nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Ăn tiết mua ở chợ, cụ ông 72 tuổi nhiễm liên cầu lợn
Kinhtedothi - Nam bệnh nhân 72 tuổi (xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng khó thở, đau nhức toàn thân, chân trái sưng to, cẳng chân, bàn chân nổi các nốt phỏng tím đen, truỵ tim mạch (huyết áp 50/20 mmHg).

Thêm một người đàn ông ở Hà Nội mắc liên cầu lợn
Kinhtedothi - Ngày 23/9, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, TP vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc liên cầu lợn tại huyện Đan Phượng.

Hà Nội thêm 1 ca mắc liên cầu lợn
Kinhtedothi - Chiều 14/9, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần, TP ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại Hoàn Kiếm.