Chăn nuôi nông hộ chuyển biến tích cực nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

 Các bộ ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân một cách bền vững.  
Theo báo cáo của các địa phương, thực hiện Quyết định số 50, 63/63 tỉnh, TP đã xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai theo 2 hình thức. Thứu nhất là văn bản hướng dẫn riêng; thứ hai là lồng ghép với các chính sách khác. Các tỉnh, TP cũng đã chủ động bố trí tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi là 832,781 tỷ đồng.
Chăn nuôi nông hộ chuyển biến tích cực nhờ Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ
Cụ thể: Hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn: 218,474 tỷ đồng; Hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho trâu, bò: 258,543 tỷ đồng; Hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm: 25,132 tỷ đồng; Hỗ trợ xử lý chất thải: 159,692 tỷ đồng; Hỗ trợ đệm lót sinh học: 17,519 tỷ đồng; Hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên: 6,135 tỷ đồng; Hỗ trợ công phối giống và vật tư, thiết bị khác (Bình ni tơ, ni tơ lỏng) phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo trâu, bò: 147,246 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện chính sách theo Quyết định số 50 đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi, đặc biệt là gia tăng thu nhập của các nông hộ từ 5 - 10%. Với nguồn kinh phí không lớn nhưng chính sách đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã cải tạo và nâng cao năng suất đàn lợn, trâu, bò. Đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Bộ NN&PTNT cho rằng, để góp phần triển khai Luật Chăn nuôi, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045, rất cần có một chính sách của nhà nước tạo nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025. Điều này còn có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới.
Với các lý do cơ bản nêu trên, căn cứ Luật Chăn nuôi số 32 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3480/VPCP-NN ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Cục Chăn nuôi đề xuất sớm xây dựng Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi nông hộ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần