Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi “thoát âm”, nông nghiệp tăng trưởng 0,78%

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sang quý II/2020, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78%. Tín hiệu tích cực là chăn nuôi đã “thoát âm” và tăng 1,05%. Trong khi các nhóm lĩnh vực khác cũng có tăng trưởng dương trong 6 tháng. Cụ thể, trồng trọt tăng 0,63%, lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%. Dự kiến tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 1%.
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị
Dù giá trị sản xuất toàn ngành tăng, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190  triệu USD, giảm 19,4%.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 là hết sức nặng nề, khó khăn. Để tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,5 - 3% như kịch bản đã đề ra, cần có sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương. Về phía Bộ, sẽ tập trung chỉ đạo điều hành kịp thời, linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn. Nghiên cứu thị trường và chỉ đạo các địa phương, nơi có điều kiện để tăng diện tích sản xuất rau, cây ngắn ngày; chăm sóc cây ăn quả để đạt sản lượng và chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước. Đồng thời, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ thúc đẩy cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà máy chế biến rau quả, dừa, nông, lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại khởi công và đi vào hoạt động ngay trong năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là các thị trường trọng điểm, để kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu nông sản. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn...