Tại đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Phân khúc nhà ở đang ấm lên, các giải pháp sẽ thực thi dần từng bước để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, nhưng không thể dứt điểm ngay vì thiếu tiềm lực.
Kích cầu bằng nhà ở xã hội
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề xuất tiết giảm nguồn cung, tăng nguồn cầu cho thị trường BĐS và giải pháp này bước đầu đã có những tác động tích cực. Một dấu hiệu dễ thấy, giá nhà đã giảm nhiều so với thời điểm “sốt giá” năm 2008 - 2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006; tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Thị trường BĐS đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu ấm dần lên.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: TTXVN
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở, nhiều nhóm giải pháp cũng được người đứng đầu ngành xây dựng đề cập tới. Đó là: Rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, dừng các dự án chưa GPMB hoặc đang GPMB nhưng không phù hợp; cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển sang làm nhà ở xã hội... Đặc biệt, nút thắt tín dụng sẽ được nới lỏng dần, theo đó, chú trọng nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường BĐS, ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng BĐS.
Trong phiên giải trình, các ngân hàng thương mại cũng hứa sẽ dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại Nhà nước) để cho người có thu nhập thấp, cán bộ công chức vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2², giá bán dưới 15 triệu đồng/m2² với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. |
Thừa nhận việc giải cứu thị trường BĐS là việc cần thiết lúc này nhưng rất khó, nên trước hết, Bộ Xây dựng tập trung vào việc giải quyết hàng tồn kho. Về lâu dài, nguyên tắc cao nhất là cân đối cung cầu, điều chỉnh thị trường dựa trên nhu cầu có thực của xã hội, không để thị trường phát triển "tùy hứng". Điểm mới trong kế hoạch giải cứu lần này là gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Nghị định về nhà ở xã hội cũng đã được Bộ trình Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian tới.
Giải quyết hàng tồn kho mới là phần “ngọn”
Yêu cầu Bộ Xây dựng làm rõ câu hỏi, nguyên nhân do đâu mà trường BĐS "đóng băng" để bây giờ Quốc hội và Chính phủ phải tìm biện pháp giải cứu. Đồng thời, đánh giá những giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra mới giải quyết được phần "ngọn" là giải tỏa hàng tồn kho, phần "gốc" là hướng phát triển của thị trường BĐS chưa rõ, các ĐB cho rằng, Bộ cần bắt đúng "bệnh" mới bốc đúng "thuốc". ĐB Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ví von: "Giải quyết được "cục máu đông" nhưng thành mạch vẫn xơ vữa chẳng mấy chốc lại hình thành những cục máu đông khác. Bộ trưởng phải làm sao để chặn được đầu cơ, vốn, giá tồn tại lộn xộn như vừa qua mới lành mạnh được mạch máu, giúp cơ thể khỏe mạnh".
ĐB Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường BĐS khủng hoảng như hiện nay là do sự bất cập của thể chế. Nếu không bắt đúng bệnh thị trường với những quy định thể chế cụ thể thì càng can thiệp càng rối. Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá và nhiều ĐB khác cũng dẫn ra nguyên nhân “bong bóng” BĐS hiện nay là do sự thiếu minh mạch và "truy" trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: Một trong nguyên nhân dẫn đến thị trường đóng băng như hiện nay là do công tác quản lý từ T.Ư đến địa phương còn yếu, luật chồng chéo, thiếu quy hoạch đồng bộ, dẫn đến lệch pha cung cầu, thị trường ách tắc. Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý kinh doanh BĐS cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện quy hoạch như việc cấp đất, phê duyệt dự án, kinh doanh… Nhưng, Bộ trưởng cũng cho rằng, "trách nhiệm của địa phương rất lớn" khi trong tổng số trên 3.000 dự án, chỉ có 34 dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Chính phủ, còn lại phân cấp cho các địa phương phê duyệt. Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã xây dựng xong Dự thảo Nghị định về quản lý phát triển đô thị, theo hướng tăng cường kiểm soát thống nhất từ T.Ư đến địa phương. "Thực tế, Bộ còn muốn có "liều lượng" mạnh hơn nữa nhưng tiềm lực kinh tế đất nước có giới hạn" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Có hay không sự trông chờ giải cứu của Nhà nước?
Đồng tình với nhận định của một số đại biểu về yếu tố đầu cơ nâng giá, tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, chính sách giải cứu không bảo vệ "lợi ích nhóm", hoàn toàn vì mục đích gỡ khó cho nền kinh tế. Ông Dũng khẳng định, sự giảm giá BĐS hiện phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có khả năng "chịu đựng" của doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng hứa sẽ tiếp tục rà soát thị trường, triển khai tiếp các biện pháp giải quyết những bất cập hiện nay.
Đánh giá cao Nghị định về quản lý phát triển đô thị mà Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: So với các Luật liên quan, Nghị định đã chậm chễ từ 3 - 5 năm, đó cũng chính là một nguyên nhân khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng như hiện nay. Do đó, Phó Chủ tịch đề nghị sau phiên giải trình Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng và Quy hoạch đô thị. Đồng thời, thực sự công khai minh bạch các chính sách, giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS trên cơ sở đánh giá đúng cung cầu của thị trường, chú ý đến phân khúc nhà ở cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp…
Mong muốn nhà ở xã hội chỉ dưới 500 triệu đồng/căn Trả lời cho câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Ngô Văn Minh về việc nhà ở thu nhập thấp nhưng giá vẫn cả tỷ đồng, khó khả thi, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Tôi đồng ý giá nhà ở xã hội tầm 1 tỷ đồng thì đúng là khó cho người lao động mua thật. Chúng tôi đang muốn nhà ở xã hội chỉ tầm 500 triệu đồng trở lại, nhất là ở Hà Nội, với khoảng 50m2, kèm theo hỗ trợ lãi suất của ngân hàng. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước phải có gói tái cấp vốn, các địa phương có điều kiện ngân sách cũng phải hỗ trợ vốn vay thì người nghèo mới có nhà". |