Chặn Telegram tại Việt Nam: Động thái kiên quyết làm sạch không gian mạng
Kinhtedothi - Trước thực trạng ứng dụng Telegram bị lạm dụng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động của nền tảng này tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Telegram thành nơi trú ẩn của tội phạm công nghệ cao
Động thái mạnh mẽ trên được đưa ra sau đề nghị từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và làm trong sạch môi trường số.
Tại Công văn số 2312/CVT-CS ban hành ngày 2/5, Cục Viễn thông nêu rõ các cơ sở pháp lý và thực tiễn đòi hỏi hành động khẩn trương đối với nền tảng Telegram. Văn bản này được xây dựng dựa trên nội dung Văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24/4 của Cục A05, trong đó trình bày chi tiết các vi phạm pháp luật nghiêm trọng có liên quan đến ứng dụng này tại Việt Nam.
Theo Cục A05, Telegram đang trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho nhiều loại hình tội phạm nhờ vào các tính năng mã hóa đầu cuối mạnh, ẩn danh cao, dễ dàng tạo lập và quản lý các nhóm người dùng có quy mô lớn. Những tính năng này vô hình trung đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động.
Thống kê của Cục A05 cho thấy, trong số khoảng 9.600 kênh, nhóm Telegram hoạt động tại Việt Nam, có đến 68% là các nhóm có nội dung xấu độc. Nhiều hội nhóm lên đến hàng chục nghìn thành viên do các đối tượng phản động, chống đối tổ chức, tán phát tài liệu chống phá Nhà nước. Ngoài ra, ghi nhận hàng loạt vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo, rao bán dữ liệu cá nhân, buôn bán ma túy, thậm chí có dấu hiệu liên quan đến hoạt động khủng bố.
Hành lang pháp lý rõ ràng, biện pháp kỹ thuật kiên quyết
Cục Viễn thông nhấn mạnh rằng, việc cung cấp thông tin xuyên biên giới tại Việt Nam, trong đó có Telegram, phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc hợp tác xử lý thông tin vi phạm khi hoạt động tại Việt Nam.
Trong trường hợp không có sự hợp tác, cơ quan quản lý có thẩm quyền được phép áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn truy cập. Bên cạnh đó, Luật Viễn thông cũng quy định rõ tại khoản 1 Điều 9 về việc nghiêm cấm lợi dụng dịch vụ viễn thông nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Khi xảy ra vi phạm, doanh nghiệp viễn thông buộc phải thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn dịch vụ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 13.
Kể từ ngày 1/1, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới tại Việt Nam bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, Telegram đã không chấp hành quy định này. Việc cung cấp dịch vụ không phép là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 9 của Luật Viễn thông hiện hành.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng trên, Cục Viễn thông đã gửi văn bản của Cục A05 cùng toàn bộ thông tin liên quan đến các vi phạm của Telegram tới các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Cùng với đó, Cục yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo đúng yêu cầu từ phía cơ quan công an.
Các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện và giải pháp kỹ thuật triển khai về Cục Viễn thông trước ngày 2/6.
Chỉ đạo này thể hiện rõ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong nỗ lực bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ người dùng trước các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Việc yêu cầu ngăn chặn Telegram nếu được thực hiện nghiêm túc, triệt để sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế các hành vi vi phạm, tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn hơn tại Việt Nam.

Telegram bị Nga phạt vì chứa nội dung cực đoan
Kinhtedothi - Chính quyền Nga tiếp tục gia tăng sức ép kiểm soát các nền tảng công nghệ, với mục tiêu hạn chế hoạt động chống đối và bảo vệ an ninh quốc gia.

Loạt phản ứng cứng rắn của Nga về vụ Pháp bắt nhà sáng lập Telegram
Kinhtedothi - Đại sứ quán Nga tại Paris đã liên hệ với phía Pháp để làm rõ nguyên nhân vụ bắt CEO Telegram Pavel Durov, đồng thời yêu cầu đảm bảo bảo vệ quyền lợi và cho phép ông Durov có quyền tiếp cận lãnh sự.

Cảnh giác trò lừa đảo mời tham gia hội nhóm đầu tư tài chính trên Telegram
Kinhtedothi - Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam đưa ra cảnh báo, dù thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi, do đó, vẫn có nhiều người dùng bị lừa.