Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), EVFTA có tác động tích cực tới tăng trưởng xuất khẩu và GDP. Cụ thể, đối với tăng trưởng GDP, tăng thêm lũy tiến 2,5%, 4,6% và 4,3% tương ứng vào năm 2020, 2025 và 2030 (giả định hiệp định có hiệu lực từ 2020) so với trường hợp không có hiệp định. Tính trung bình, GDP tăng thêm mỗi năm 5,3 tỷ USD. Như vậy, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với tăng trưởng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm lũy tiến khoảng 20% vào năm 2020 và 42,7% vào 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với kịch bản không có EVFTA.
Việt Nam phải trải qua một chặng đường nữa là phê chuẩn hiệp định EVFTA. Chặng đường này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và EU. Tuy nhiên, với tinh thần và nỗ lực đã thể hiện trong quá trình đàm phán, các cơ quan liên quan của Việt Nam và EU sẽ hoàn tất quy trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để EVFTA có hiệu lực, mang lại lợi ích cho người dân và DN của hai bên. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
EVFTA đang mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, EVFTA sẽ giúp Việt Nam thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, nhất là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu cũng sẽ góp phần tạo việc làm, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội thì việc thực thi EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Vì vậy, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Đáng lưu ý, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với DN yếu kém, nhất là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho rằng, các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các sản phẩm nhập khẩu từ EU. Việt Nam cũng phải có những thay đổi pháp lý để thực hiện những cam kết trong lĩnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường... Nhiều chuyên gia kinh tế ví von EVFTA tựa như vũ môn mới của DN Việt. DN Việt vượt qua cửa ải này sẽ định danh được thương hiệu trên sân chơi toàn cầu.
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian tới, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các DN phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt, để hiện thực hóa được ưu thế đưa thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các dòng thuế thì cần sự nỗ lực của Nhà nước và DN. “Cần tiếp tục cải cách thể chế, nội luật hóa được các quy định của EVFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Nội luật hóa là quá trình không chỉ tuân thủ mà cần phải vận dụng có lợi nhất cho các DN và nền kinh tế Việt Nam nhằm thúc đẩy các DN vươn lên và tận dụng được nhiều lợi thế” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, DN cần tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh... DN phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, thực hiện các quy định về lao động, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu. Cách hiệu quả nhất là DN cần chủ động nắm nội dung tổng thể hiệp định qua các cổng thông tin, phổ biến của chuyên gia, của các hiệp hội, sau đó đi sâu vào các chương, các điều khoản đặc thù.